Không phức tạp như các tỉnh, thành khác nhưng hoạt động của tội phạm mua bán người ở Bình Thuận đang đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm, khi thời gian qua đã có không ít người là nạn nhân của loại tội phạm này. Trong năm 2017, qua xác minh, các cơ quan chức năng xác định có 12 người ở Bình Thuận là nạn nhân trong đường dây mua bán người từ Việt Nam sang Trung Quốc, do đối tượng Nguyễn Thị Mai (SN 1981, trú ở khu phố 2, phường Phước Lộc, thị xã La Gi) cầm đầu. Đây là đối tượng bị Công an tỉnh Bình Định bắt vào tháng 1/2017. Ngoài ra, trong năm qua lực lượng chức năng của tỉnh còn bắt 1 vụ mua bán người do Trần Thị Thanh (SN 1995, trú tại khu phố 2, phường Phú Trinh, TP. Phan Thiết) cầm đầu; vụ này có 3 người là nạn nhân.
Công an tỉnh cho biết: Phần lớn các đối tượng đều lợi dụng trình độ, nhận thức hạn chế của một bộ phận người dân và tình trạng thất nghiệp ở nhiều địa phương vùng biển để dụ dỗ, lôi kéo nạn nhân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, Hàn Quốc với lời hứa làm việc lương cao, lấy chồng giàu sang nhưng thực chất chủ yếu bán nạn nhân vào các tụ điểm mại dâm. Đáng chú ý, đối tượng mua bán hầu hết là người ở địa phương, đã từng bị mua bán hoặc đang lao động, kết hôn, cư trú trái phép tại Trung Quốc rồi trở về dùng mọi thủ đoạn nhằm lôi kéo những người thân quen, hàng xóm với lời hứa có một cuộc sống ổn định, giàu sang nơi đất khách. Bên cạnh đó, thực tế có một số người là nạn nhân may mắn tự thoát trở về được nhưng lo sợ sự kỳ thị của hàng xóm, nên không dám tố cáo hoặc có nạn nhân không dám trở về địa phương sinh sống. Tại hội nghị mới đây, Bộ Công an cho biết: Việt Nam vẫn là “điểm nóng” của tình trạng mua bán người và di cư bất hợp pháp, nhất là mua bán phụ nữ, trẻ em gái để hoạt động mại dâm, kết hôn bất hợp pháp, đẻ thuê.
Theo Ban chỉ đạo tỉnh về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phòng chống tội phạm: Để ngăn chặn tội phạm mua bán người, các ngành, địa phương cần tăng cường lực lượng xuống cơ sở, nắm chắc tình hình, xác định địa bàn trọng điểm để chủ động tham mưu lãnh đạo ban hành kế hoạch, giải pháp đấu tranh. Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án các cấp phải đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử tội phạm; đặc biệt tổ chức xét xử án điểm, nhằm răn đe tội phạm gắn với phát động quần chúng phòng, chống tội phạm mua bán người.
TẤN THÀNH