Theo dõi trên

Lễ hội Văn hóa - du lịch dinh Thầy Thím: Đậm nét dân gian truyền thống

20/10/2023, 05:38

Lễ hội Văn hóa - du lịch dinh Thầy Thím năm 2023 sẽ chính thức diễn ra từ ngày 28 - 30/10 (14 - 16/9 âm lịch), tại dinh Thầy Thím và ngảnh Tam Tân (thị xã La Gi, Bình Thuận) với nhiều hoạt động du lịch, văn hóa, thể thao đậm nét dân gian truyền thống.

Đặc sắc hơn

Có mặt tại dinh Thầy Thím trước 1 tuần diễn ra lễ hội, công tác chuẩn bị được thành viên ban quản lý và các chi hội chia nhau phụ trách thực hiện công đoạn đã hoàn tất, sẵn sàng chào đón du khách đến với lễ hội. Con đường gần 2 km dẫn khách hành hương vào dinh Thầy Thím năm nay được làm mới, khang trang và rộng rãi rất thuận lợi cho việc đi lại của du khách. Băng rôn, khẩu hiệu, cờ dây, cờ phướn… đã được Ban Tổ chức lễ hội trang trí dọc 2 bên đường vào dinh để chào đón khách hành hương đến với lễ hội.

nghi-th.jpg
Nghi thức cúng Nghinh thỉnh Thầy Thím về dinh Thầy Thím.

Theo Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa dinh Thầy Thím việc sắp xếp, bố trí không gian phục vụ các hoạt động diễn ra trong quá trình tổ chức lễ hội đến nay đã hoàn tất, đã chuẩn bị khu vực ăn uống cho du khách, không để du khách uống rượu, bia và ăn uống trong vòng thành dinh; chuẩn bị chỗ ở cho du khách ở lại dinh, không để du khách ngủ trên đường đi, khu chánh điện, khu trưng bày mô hình sự tích Thầy Thím...

Ông Nguyễn Văn Hai - Trưởng ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa dinh Thầy Thím cho biết: Lễ hội Văn hóa - du lịch dinh Thầy Thím năm 2023 gồm những nghi lễ dân gian như: Nghinh thần, rước Sắc phong và Bằng công nhận di tích, lễ dâng hương, nhập điện an vị, dâng cỗ bánh cúng Thầy Thím, cúng ngọ chay, thí thực phát lộc, thỉnh sanh, giỗ Tiền hiền và cúng gia binh, nghi thức Chánh lễ. Điểm nhấn của phần hội chính là chương trình nghệ thuật tổng hợp diễn ra tại lễ khai mạc lúc 16 giờ 30 ngày 28/10 do các nghệ sĩ, diễn viên đến từ TP. Hồ Chí Minh biểu diễn, trong đó có hoạt cảnh sân khấu hóa về “Sự tích Thầy Thím”. Bên cạnh tôn vinh công đức Thầy Thím, chương trình còn có các tiết mục nghệ thuật đặc sắc ngợi ca những nét hấp dẫn của du lịch thị xã La Gi nói riêng, Bình Thuận nói chung chào mừng Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh”. Đêm khai mạc sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng Truyền hình Bình Thuận - BTV và một số Đài Truyền hình khu vực…”.

cung.jpg
Nghi thức cúng Nghinh thỉnh Thầy Thím về dinh Thầy Thím.

Nét dân gian vùng biển

Đặc biệt, phần hội năm nay có đặc sắc, phong phú hơn, có thêm các trò chơi dân gian như thi đua thu hoạch thanh long, bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt vịt... Bên cạnh đó, một số hoạt động diễn ra liên tục trước và trong lễ hội gắn với chào mừng Lễ hội dinh Thầy Thím như: Giải đua xe đạp mở rộng thị xã La Gi năm 2023, dự kiến diễn ra ngày 22/10; bóng chuyền bãi biển mở rộng, dự kiến diễn ra ngày 24/10; triển lãm sinh vật cảnh, dự kiến diễn ra ngày 26 - 31/10; triển lãm giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp trên địa bàn thị xã, dự kiến diễn ra ngày 26/10 - 5/11.

banh-chung.jpg
Hội thi gói bánh chưng và bánh tét trong lễ hội dinh Thầy Thím.

Lễ hội Văn hóa - du lịch dinh Thầy Thím không đơn thuần là lễ hội văn hóa dân gian truyền thống, mà còn mang ý nghĩa lịch sử văn hóa, khắc ghi công đức của các bậc tiền nhân, thu hút hàng ngàn khách thập phương đến viếng Thầy Thím và tham gia các hoạt động của lễ hội. Từ các nghi lễ truyền thống của Lễ hội Văn hóa - du lịch dinh Thầy Thím, khách hành hương có thể cảm nhận một cách rõ nhất những giá trị tích cực về truyền thống nhân văn, giá trị tâm linh, về cuộc đời Thầy Thím đã gắn bó mật thiết với mảnh đất Tam Tân ngày xưa và có một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân lao động thị xã La Gi cho đến nay. Người dân truyền nhau kể rằng ngày xưa, ở Quảng Nam có một đạo sĩ giàu lòng nhân ái, võ thuật hơn người, thường có những nghĩa cử cao đẹp rất được dân làng mến mộ. Vì bị nhà vua xét xử oan ức nên đạo sĩ cùng vợ phiêu dạt vào phương Nam lánh nạn. Tam Tân, một làng quê xa xôi, trù phú trở thành nơi dừng chân cuối cùng của vợ chồng đạo sĩ. Và cũng từ đây những truyền thuyết, đức độ của vợ chồng đạo sĩ được hết lòng ca ngợi, dân làng Tam Tân thân thiết gọi vợ chồng đạo sĩ là Thầy - Thím. Sự tích Thầy - Thím là một truyền thuyết dân gian được lưu truyền qua nhiều thế hệ, nội dung mang nhiều yếu tố tích cực và có giá trị giáo dục.

thi-ganh.jpg
Thi gánh cá trong lễ hội dinh Thầy Thím. Ảnh: N.Lân

Dù chưa đến ngày chính thức khai mạc lễ hội nhưng hình ảnh khách hành hương từ mọi miền đất nước cũng đã tập trung về dinh Thầy Thím từ rất sớm để viếng, dâng hương tưởng nhớ công đức Thầy Thím, tìm hiểu về lịch sử đức độ của Thầy Thím. Quần thể Di tích lịch sử - văn hóa dinh Thầy Thím có sức mời gọi du khách đến chiêm ngưỡng ngày càng đông hơn. Bên cạnh đó là sức hấp dẫn của khung cảnh thiên nhiên, núi rừng, du khách sẽ không quên ghé thăm bãi biển Tam Tân để vùng vẫy, ngâm mình thỏa thích trong những con sóng bạc đầu, ngắm những rặng dừa xanh trải dài nối tiếp, thưởng thức những hương sắc mặn mà tình nghĩa của một vùng quê trù phú và sôi động.

HỒNG CHÂU


(0) Bình luận
Bài liên quan
Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc tại Bình Thuận
Chiều nay (19/10), Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương do đồng chí Lê Hải Bình - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác tuyên giáo từ sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Nổi bật
Mang quà tết ra quần đảo Trường Sa
BTO-Chiều 26/12, tại thành phố Cam Ranh (Khánh Hòa), các tàu đi thăm, động viên, chúc tết quân - dân huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa bắt đầu vươn khơi. Những tàu ấy không chỉ có hàng hóa, nhu yếu phẩm mà còn mang theo tình cảm, sự quan tâm, nghĩa tình của nhân dân cả nước hướng về quần đảo Trường Sa – vùng biển đảo thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc...
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lễ hội Văn hóa - du lịch dinh Thầy Thím: Đậm nét dân gian truyền thống