Theo dõi trên

Lệch chuẩn đạo đức trong giới trẻ: Lỗi lớn ở cha mẹ

08/11/2016, 09:47

BT - Hàng loạt vụ việc gây “sốc” trong thời gian qua làm nhiều người lo ngại về việc xuống cấp đạo đức xã hội nhất là ở giới trẻ. Người ta đổ lỗi cho xã hội cho nền giáo dục lạc hậu không bắt kịp xu hướng phát triển nhưng có mấy ai nhìn lại bản thân, nhìn lại cách giáo dục con trẻ của gia đình. Khi mà nếp nhà chưa giữ được thì sự giáo dục của thầy cô cũng chỉ là muối bỏ biển…

Sự việc mới xảy ra tại tỉnh Khánh Hòa một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động khi mà khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày một xa. Vì buồn chuyện gia đình, em T (13 tuổi, trú thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã đăng trên trang facebook cá nhân dòng chữ: “Nếu đủ 1.000 like sẽ đốt trường”. Chỉ sau vài giờ dòng trạng thái của T có hơn 1.000 like. Đến ngày 9/10, khi thấy T chưa thực hiện lời hứa của mình thì một số người bạn của em nhắn tin “like đã đủ, thực hiện đi”. Không dừng lại ở đây, khi T đang cắt tóc thì bị một nhóm khoảng 10 người đến tìm và kéo T ra khỏi tiệm tóc. Nhóm này  yêu cầu T thực hiện lời nói… trên facebook. Nhóm này đi mua xăng về ép T vào trường đốt phòng hiệu trưởng nếu không sẽ đánh. Khi vào trường, thấy phòng y tế có mấy chiếc ghế nhựa nên chọn chỗ này để đốt. Trong khi T thực hiện hành động này thì nhóm bạn trên dùng điện thoại ghi lại. Tuy nhiên, khi T vừa tưới xăng châm lửa đốt thì ngọn lửa bùng lên khiến em không kịp chạy nên bị bỏng độ 1 ở vùng mặt, bỏng độ 1 - 2 ở hai cẳng chân. Trả lời báo chí, T rất ân hận về hành động dại dột của mình: “Em hối hận lắm. Em không ngờ chỉ vì câu “like” trên mạng mà chuốc lấy hậu quả thật”. Nhiều người vừa trách, vừa thương T. Trách em vì hành động dại dột và thương em vì ở cái tuổi ô mai đã không tìm được tiếng nói chung với gia đình.

Trên thực tế, trường hợp của T không phải là hiếm. Trong thời buổi kinh tế thị trường, mọi thứ đều được đo bằng giá trị vất chất thì những bậc làm cha làm mẹ đã bị cuốn vào vòng xoáy khắc nghiệt đó. Cha mẹ mãi mê kiếm tiền, coi sự đáp ứng đủ nhu cầu vật chất sẽ giúp con phát triển tốt nhất. Cố gắng cho con học trường tốt nhất, mua cho con những vật dụng mà chỉ cần nhìn vào đã biết là “con nhà có điều kiện”, cha mẹ cho rằng đó là thương con? Được đáp ứng mọi nhu cầu nên không ít bạn trẻ xem cha mẹ như ngân hàng, như két sắt. Họ chỉ tìm đến cha mẹ mỗi lúc cần tiền tiêu xài hay mua một cái gì đó, những chuyện cần sự chia sẻ, hướng dẫn của người lớn thì các bạn lại tâm sự với Google...

Nhưng mạng thì ảo, đầy cám dỗ đã đẩy những suy nghĩ còn non nớt của lứa tuổi mới lớn thành hiện thực. Nhất là mạng internet, sống trong thế giới ảo nhiều khẳng định bản thân bằng những hành động không bình thường như thích thì chụp, đủ 10.000 like sẽ cởi đồ… Một thanh niên đăng lên mạng những clip chửi tục, cầm dao dọa người khác thì được giới trẻ phong là “thánh chửi”, làm cái gì khác người cũng được phong làm “thánh”, được tung hô như những ngôi sao màn bạc...  Hẳn mọi người còn nhớ vụ việc xảy ra vào ngày 21/9 tại TP. Hồ Chí Minh. Cộng đồng mạng bàng hoàng khi xem clip một nam thanh niên tự tẩm xăng, châm lửa lên người và nhảy xuống nước. Trước khi có hành động điên rồ này, người thanh niên này đã lên facebook đăng dòng trạng thái gây sốc “nếu nhận được 40.000 like sẽ tự mình tẩm xăng tự thiêu sống rồi nhảy xuống kênh Tân Hóa”. Dòng trạng thái của thanh niên kia lại nhận được tới gần 100.000 like (hơn gấp đôi mong muốn ban đầu). Thậm chí, rất nhiều bạn trẻ còn đổ về hai tuyến đường dọc kênh Tân Hóa (TP. HCM) vào lúc 19 giờ ngày 20/9 để chứng kiến N.T thực hiện lời hứa. Một biểu hiện đáng buồn về sự mất phương hướng, rời xa cuộc sống thực tại của giới trẻ…

Trước khi lên án, đổ lỗi cho người khác thì chính các bậc cha mẹ cần phải xem xét lại mình. Vật chất thôi không đủ làm nên một con người. Cha mẹ hãy dành nhiều thời gian quan tâm chăm sóc, giáo dục con cái, nhất là đạo đức, củng cố mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Một đứa trẻ hư, cha mẹ không thể vô can…

Nguyễn Luân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lệch chuẩn đạo đức trong giới trẻ: Lỗi lớn ở cha mẹ