Theo dõi trên

Linh thiêng biển, đảo Việt Nam

15/08/2016, 09:04

Bài 2: Âm vang trang sử Trường Sa

BT- Để bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền của quốc gia trên biển Đông, biết bao thế hệ đã có những đóng góp lớn lao, thậm chí phải đánh đổi bằng máu xương và nước mắt của các thế hệ cha anh…

                              
      
Đoàn công tác số 15 và Bộ Tư lệnh Hải quân    tổ chức lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại quần đảo    Trường Sa.
      
Tàu cá BTh 97681 TS của Bình Thuận đánh bắt    hải sản tại vùng biển Trường Sa, cạnh đó là tàu kiểm ngư KN 284 đang    làm nhiệm vụ.

Hy sinh cho Tổ quốc bình yên

Thật khó để nói hết những đóng góp lớn lao của các thế hệ người Việt dành cho biển, đảo. Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân Việt Nam luôn biết ơn những cống hiến, hy sinh vì độc lập, chủ quyền của dân tộc. Suốt chiều dài lịch sử xây dựng và bảo vệ đất nước, chúng ta mãi mãi không quên những người con ưu tú đã dũng cảm, kiên cường, ngày đêm bám biển, sẵn sàng chiến đấu hiến dâng thân mình để Tổ quốc được bình yên.

Suốt hải trình đến Trường Sa, Đại tá Hoàng Ngọc Dương – Trưởng phòng Dân vận (Cục Chính trị - Quân chủng Hải quân) kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện cảm động về sự vượt khó, mưu trí, sáng tạo để xây dựng biển, đảo và tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của những người lính Bộ đội Cụ Hồ giữa biển cả bao la, trong đó có sự kiện ngày 14/3/1988. Theo lời Đại tá Hoàng Ngọc Dương: Cuối năm 1979 đầu năm 1980, để ngăn chặn ý đồ đánh chiếm của Trung Quốc trên một số bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), lực lượng hải quân của ta đã khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, khôn khéo xử lý các tình huống, thực hiện nghiêm đối sách, kiềm chế đến mức tối đa vì nghĩa cử cao đẹp: Giữ vững hòa bình – hữu nghị. Song, bất chấp công lý và lẽ phải, biết không thể khuất phục được ý chí sắt đá của cán bộ, chiến sĩ hải quân Việt Nam, ngày 14/3/1988, Trung Quốc đã ngang nhiên tấn công quân sự, bắn chìm, bắn cháy 3 tàu vận tải, đánh chiếm một số đảo đá ngầm của ta. Trong sự kiện đó đã xuất hiện những tấm gương sáng ngời của cán bộ, chiến sĩ, thủy thủ trên các tàu HQ 505, HQ 604, HQ 605 thuộc Lữ đoàn 125, Lữ đoàn 146, Trung đoàn Công binh 83. Dẫu biết rằng có thể hy sinh, nhưng trước sự đe dọa, hành động dã man của Trung Quốc, các anh vẫn không chùn bước, vẫn dũng cảm kiên cường, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Đó là tấm gương anh dũng hy sinh của Anh hùng liệt sĩ, trung tá Trần Đức Thông - Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; Anh hùng liệt sĩ, đại úy Vũ Phi Trừ - Thuyền trưởng tàu HQ 604; Anh hùng liệt sĩ, thiếu úy Trần Văn Phương - Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma; Anh hùng liệt sĩ, thiếu tá Vũ Huy Lễ - Thuyền trưởng tàu HQ 505…. Trước lúc hy sinh, thiếu úy Trần Văn Phương đã quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình, động viên đồng đội và hiên ngang hô vang: “Không lùi bước, phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của quân chủng”. Trước tình thế mất đảo chỉ trong gang tấc, thiếu tá Vũ Huy Lễ đã bình tĩnh, mưu trí chỉ huy tàu HQ 505 vừa chiến đấu, vừa nhanh chóng lao lên bãi đá ngầm Cô Lin để con tàu trở thành pháo đài và cột mốc chủ quyền bất khả xâm phạm…

 Trường Sa hôm nay

Tiếp nối truyền thống vinh quang, hào hùng bảo vệ biển đảo để Tổ quốc mãi mãi trường tồn, không ngừng phát triển. Dù hằng ngày nơi đây phải đối mặt không ít khó khăn, thách thức nhưng nhờ sự quan tâm đầu tư của cả nước và những nỗ lực không mệt mỏi của các thế hệ quân - dân nên Trường Sa hôm nay đang mang một diện mạo mới, ngày càng lớn mạnh, vững chãi hơn. Hiện nay, trên tất cả các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, dù đảo chìm hay đảo nổi, nơi nào cũng có điện, phương tiện nghe nhìn hiện đại. Các cây phong ba, muống biển, bão táp, bàng vuông, vườn rau phát triển xanh mướt, đàn gà, vịt có ở khắp nơi giữa sóng gió biển Đông; đảo nổi còn có sân bay, chùa, bưu điện, trường học, bệnh xá, công viên, cây ăn trái… như ở đất liền.

Bây giờ, Trường Sa không những ngày càng mạnh về phòng thủ - vững về quốc phòng an ninh, huyện đảo tiền tiêu này còn là điểm tựa vững chắc để ngư dân yên tâm bám biển, giữ ngư trường. Tại quần đảo Trường Sa và khu vực nhà giàn DK1 luôn có sự hiện diện của tàu HQ 561 –  con tàu bệnh viện hiện đại nhất Đông Nam Á vẫn ngày đêm đạp sóng thực hiện nhiệm vụ cao cả: cứu người. Ở các đảo và điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa có hệ thống phao, lòng hồ rộng thuận lợi cho việc neo đậu, tránh trú bão của tàu thuyền, hỗ trợ thực phẩm, khám chữa bệnh cho ngư dân. Tại đảo Thuyền Chài - nơi cách Cam Ranh (Khánh Hòa) 309 hải lý, trong năm 2015 và những tháng đầu năm 2016 đã tiến hành cấp cứu cho 16 người bị ngộ độc thực phẩm, cấp thuốc và khám chữa bệnh cho 196 lượt người, cung cấp hơn 3.200 lít nước ngọt cho nhân dân. Đảo Đá Lớn C cũng giúp đỡ về nhiều mặt cho hơn 50 tàu cá của ngư dân... Từ đó tiếp tục khẳng định chủ quyền biển, đảo, giữ vững an ninh quốc phòng, vững mạnh hơn nữa thế trận chiến tranh nhân dân trên biển.

Ký: Lê Phúc



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Linh thiêng biển, đảo Việt Nam