Theo dõi trên

Loay hoay “cân bằng” chuỗi tiêu thụ nông, thủy sản

20/12/2021, 06:56

BT- Vào thời điểm cuối năm, hoạt động sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi trong tỉnh bắt đầu cân bằng, hồi phục trước tác động của đại dịch Covid-19. Sự chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán đã rục rịch tại các địa phương. Tuy nhiên vào thời điểm này, giá cả và dòng lưu thông nông, thủy sản vẫn biến động ít nhiều.

Thủy sản sau khai thác tại Cảng cá Phan Thiết. (ảnh tư liệu)

 Khó khăn “kép”

Khi thời điểm Tết Nguyên đán 2022 chỉ còn hơn 1 tháng nữa, hoạt động sản xuất nông nghiệp của nông dân trong tỉnh đã vào cao điểm. Bà con vừa thu hoạch, sản xuất lúa theo mùa vụ, vừa “canh” thanh long ra trái dịp trước tết. Với người chăn nuôi, đây cũng là thời điểm đẩy mạnh chăm sóc để phục vụ nhu cầu thực phẩm tết. Trong thời điểm “vàng” để tiêu thụ sản phẩm nông, thủy sản, nhưng hiện nay hoạt động sản xuất của người dân đang gặp một số khó khăn nhất định như sâu bệnh hại trên cây trồng, dịch bệnh vật nuôi tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh. Đặc biệt, tác động của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu thụ và giá cả một số mặt hàng nông, thủy sản. Người sản xuất đang ở trong tình trạng khó khăn “kép”, chi phí sản xuất cho đầu vào tăng, trong khi chuỗi tiêu thụ gián đoạn.

Trong đó phải kể đến việc khai thác thủy sản bước sang vụ cá bấc, thời tiết vùng biển không thuận lợi. Hiện một số tàu thuyền bắt đầu lên bờ để tu bổ, sửa chữa hoặc nằm nghỉ bờ dài ngày nên hoạt động khai thác thủy sản giảm đáng kể.

 Ngoài ra, hiện nay tình hình dịch Covid-19 tại các địa phương ven biển và khu vực cảng cá còn phức tạp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tiêu thụ sản phẩm thủy sản chậm, lượng hàng tồn kho tại các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vẫn còn nhiều. Mặt khác, hiện nay các hộ nuôi thủy sản đang vào thời điểm thu hoạch nhưng khó tiêu thụ, chủ yếu bán nhỏ lẻ tại địa phương. Mặc dù kênh tiêu thụ thông qua cung cấp cho doanh nghiệp chế biến được cải thiện, nhưng dịch vụ du lịch, ăn uống mở cửa còn hạn chế nên việc tiêu thụ thủy sản cho kênh này chưa thực sự thuận lợi.

 Tăng giảm giá nông, thủy sản

Qua theo dõi của Sở Nông nghiệp và PTNT về tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản trong điều kiện Covid-19 thời điểm đến giữa tháng 12/2021, hiện nay việc lưu thông tiêu thụ hàng hóa giữa các tỉnh đã dần trở về trạng thái bình thường. Giá bán các loại thủy sản nuôi trồng trong tỉnh như tôm thịt và cá biển đã tăng khá cao và duy trì ổn định. Dù vậy, do các chợ truyền thống hoạt động còn hạn chế nên các tiểu thương thu mua các loại cá biển nuôi với số lượng không nhiều, cá nuôi biển tiêu thụ chậm. Hiện giá tôm thẻ chân trắng bán ra giá 105.000 đồng/kg (size 100 con/kg), cá bớp 160.000 đồng/kg, cá bè 150.000 đồng/kg. Ngoài ra, một số loại thủy sản giá tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với tuần trước như cá thu 150.000 – 190.000 đồng/kg, cá bớp 140.000 – 190.000 đồng/kg…

Chăm sóc cây trồng.

Riêng mặt hàng rau củ hiện có giá ổn định từ 10.000 – 40.000 đồng/kg. Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên, tại các chợ của TP. Phan Thiết, người tiêu dùng cho rằng một số loại nông sản có giá tăng cao so bình thường. Đơn cử là cà chua hiện có giá xấp xỉ 50.000 đồng/kg, tăng gần gấp 3 lần so trước đó vài tháng. Theo lý giải của tiểu thương, nguồn cung mặt hàng này chủ yếu ở Đà Lạt. Tuy nhiên do tỉnh Lâm Đồng đang bùng phát dịch Covid-19, dẫn  đến việc vận chuyển nông sản gặp khó khăn, đẩy giá lên cao. Sự tăng giảm giá nông sản cũng thể hiện ở mặt hàng thanh long. Hiện nông dân đang phấn khởi vì giá thanh long chong đèn đang ở mức 14.000 – 18.000 đồng/kg, cao hơn 1 tuần trước đó khoảng 2.000 đồng/kg. Cộng thêm việc vận chuyển sản phẩm nông, thủy sản tiêu thụ ngoài tỉnh được tháo gỡ khó khăn do các tỉnh áp dụng Nghị quyết 128/NQ-CP, sẽ góp phần “cân bằng” chuỗi tiêu thụ trong nước.

Riêng hoạt động xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc vẫn gặp khó do gần đây nước này thường xuyên tạm đóng cửa các cửa khẩu biên giới để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Theo ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, điều này dẫn đến hạn chế năng lực thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu phía Bắc.  Do đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đang tiếp tục phối hợp với các địa phương theo dõi, nắm bắt tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản của người dân. Đồng thời, thường xuyên rà soát, cập nhật và kịp thời đề xuất giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khi có khó khăn về sản xuất và tiêu thụ.

Kiều Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Loay hoay “cân bằng” chuỗi tiêu thụ nông, thủy sản