Còn nhiều học sinh đi xe phân khối lớn
Mới đây, tại cuộc họp sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) 8 tháng năm 2024, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải chủ trì, một vấn đề được các đại biểu quan tâm thảo luận, kiến nghị là việc tăng cường chấn chỉnh tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về TTATGT. Vấn đề này được quan tâm bởi thời gian qua, dù Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cũng như lãnh đạo tỉnh đã có nhiều chỉ đạo, nhất là vào các thời điểm đầu năm học mới, nhưng tình trạng học sinh vi phạm TTATGT, đe dọa đến an toàn cho chính các em và cho người khác vẫn còn khá phổ biến.
Thực tế cho thấy, hiện nay khi ra đường thời điểm học sinh đến trường, hay tan học, chúng ta không khó để bắt gặp một số em học sinh đi xe phân khối lớn, trái quy định so với độ tuổi. Hay các em điều khiển phương tiện xe đạp điện, xe gắn máy 50 phân khối chạy dàn hàng ngang nói chuyện, thậm chí kéo đẩy, không chấp hành đèn tín hiệu vượt đèn đỏ tại ngã 3,4, không đội mũ bảo hiểm hết sức nguy hiểm… Để đối phó với sự quản lý của nhà trường, các em đi xe gắn máy không đúng quy định đã gửi xe tại nhà dân gần trường học. Không chỉ vi phạm trong điều khiển phương tiện khi đi đến trường, từ đầu năm đến nay các huyện, thị, thành phố cũng phát hiện rất nhiều trường hợp học sinh vi phạm Luật Trật tự giao thông đường bộ khi tham gia giao thông ngoài giờ đi học, dịp hè như: điều khiển xe phân khối lớn chạy quá tốc độ, nẹt pô, lạng lách... Đặc biệt trong đó có cả trường hợp học sinh vi phạm nồng độ cồn. Điển hình tại huyện Đức Linh, trong 6 tháng đầu năm 2024, qua kiểm tra 783 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, thì có đến 44 trường hợp học sinh vi phạm. Thực trạng này rất cần các địa phương thống kê cụ thể để cảnh báo đối với các bậc phụ huynh, nhà trường, cũng như các cơ quan chức năng có liên quan để phối hợp tuyên truyền chấn chỉnh trong thời gian tới.
Nghiêm khắc vì các em
Có thể nói, ở độ tuổi học sinh cấp 2,3 hiện đang tiếp cận và hình thành các kỹ năng lái xe, trong đó có yếu tố tìm hiểu các quy định pháp luật, cũng như trang bị các kiến thức cần thiết để lái xe an toàn. Do vậy việc uốn nắn, chấn chỉnh, giáo dục các em tại thời điểm này là hết sức cần thiết, để đảm bảo an toàn cho chính các em. Tuy nhiên hiện nay, nhìn ở góc độ trách nhiệm trong việc giáo dục các em nâng cao nhận thức khi tham gia giao thông của phụ huynh, nhà trường cũng như địa phương và cơ quan chức năng đâu đó vẫn còn lỗ hổng, chưa chặt chẽ, chưa kiên quyết để các em chấp hành pháp luật về TTATGT.
Trước một số ý kiến của các đại biểu về nâng cao trách nhiệm trong quản lý, giáo dục học sinh của gia đình, chính quyền địa phương, đặc biệt là của các cơ sở giáo dục, trong đó có trách nhiệm của giáo viên, nhà trường đối với thực trạng học sinh vi phạm TTATGT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải đề nghị ngành giáo dục nâng cao trách nhiệm của thầy cô và nhà trường trong việc phối hợp với phụ huynh, các đơn vị liên quan trong đảm bảo ATGT. Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh ý kiến các đại biểu nêu ra qua việc phát huy vai trò của giáo viên và nhà trường trong việc: “Lớp giữ theo lớp, trường giữ theo trường, huyện giữ theo huyện” để đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh. Trong đó lưu ý về sự kiên quyết xử lý kỷ luật nếu như học sinh vi phạm, không coi nhẹ bởi mục đích của việc này chính là bảo vệ sự an toàn cho các em về trước mắt và lâu dài.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh, bà Nguyễn Thị Toàn Thắng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Ngành sẽ quán triệt và tăng cường hơn nữa trong công tác chỉ đạo và giám sát việc thực hiện đối với các Phòng Giáo dục và cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Trong đó sẽ yêu cầu các trường nghiêm khắc xử lý kỷ luật các em học sinh vi phạm để chấn chỉnh vì sự an toàn của các em. Ngành giáo dục cũng mong muốn các địa phương quan tâm tăng cường các biện pháp đảm bảo ATGT trong học đường, trong đó có việc cơ quan chức năng kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm để nêu gương, nâng cao nhận thức cho các em.