10 ngày không tiếp nhận gần 900 xe
Dừng 3 xe container ở nhà vì nếu có gắng đưa được thanh long, xoài qua cửa khẩu Trung Quốc thì cũng không có lời, ông Cường - chủ kinh doanh vận tải ở TP. Phan Thiết chuyển sang sử dụng xe tải chở hàng trái cây ra Hà Nội bán. Khi xe đi thì 19 tỉnh, thành chưa áp dụng Chỉ thị 16/CP nhưng đến lúc quay về thì có quy định mới là xe phải có thẻ Nhận diện phương tiện, để được ưu tiên hoạt động trên “luồng xanh”, gọi tắt là giấy “luồng xanh”. Khi gửi thông tin đăng ký theo mẫu qua mạng với Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Bình Thuận thì xe tải của ông đúng là chuyên chở mặt hàng thiết yếu nhưng biển số xe của TP. Hồ Chí Minh nên không được tiếp nhận. Theo hướng dẫn, ông phải đăng ký lại trên mạng qua địa chỉ khác để Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh mới có thể cấp giấy “luồng xanh”.
Hồ sơ của ông Cường là một trong nhiều trường hợp mà Sở GTVT Bình Thuận từ chối tiếp nhận, vì phù hiệu xe tải không phải của Bình Thuận cấp. Bên cạnh chuyện phù hiệu, còn nhiều lý do khác như không đúng đối tượng được cấp; khai báo không đúng nội dung yêu cầu trên phần mềm đăng ký; người khai báo không thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý phương tiện... Vì vậy, từ khi Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo cấp giấy “luồng xanh”, tức ngày 19/7/2021 đến nay, tính ra đã 10 ngày, số lượng xe không được tiếp nhận tăng hơn gấp đôi số lượng xe được duyệt, cấp giấy. Cụ thể, sở đã duyệt được hơn 380 xe và cấp giấy, đồng thời cũng từ chối gần 900 xe.
Theo Sở Giao thông Vận tải Bình Thuận, những trường hợp được xem xét cấp giấy “luồng xanh” có yêu cầu rõ ràng. Đó là xe kinh doanh vận tải hàng hóa của hộ kinh doanh vận tải, doanh nghiệp kinh doanh vận tải, HTX vận tải đã được Sở GTVT Bình Thuận cấp phù hiệu “xe tải”; xe của các doanh nghiệp có trụ sở, nhà máy sản xuất kinh doanh mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Tất cả những xe này phải có lộ trình đi đến hoặc đi qua địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CP và xe có thiết bị giám sát hành trình phải hoạt động.
Sau khi xe được cấp giấy qua email, các nhà xe tự in Thẻ nhận diện phương tiện kèm theo mã QRCode lên giấy khổ A5 dán lên kính phía trước và in trên giấy khổ A4 để dán thêm lên kính 2 bên cửa xe nhằm tạo thuận lợi cho việc kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng và hạn chế tiếp xúc để ngăn ngừa lây lan dịch bệnh.
Hạn chế tiếp xúc chứ không cách ly
Với phương tiện thì đã cấp giấy nhận diện như trên, còn lái xe và người trên xe thì phải chấp hành nghiêm các quy định của Bộ Y tế như có giấy xét nghiệm âm tính… Những ngày qua, các lái xe trên địa bàn tỉnh đều tuân thủ việc test nhanh lẫn xét nghiệm PCR nên yên tâm sau mỗi chuyến hàng là về nhà. Tuy nhiên, vào giữa tháng 7, trường hợp 1 lái xe ở Bình Dương về phường Phú Tài – TP. Phan Thiết có giấy xét nghiệm âm tính nhưng cuối cùng đã lây bệnh qua người thân trước khi được phát hiện dương tính vô tình tạo ra tình huống nhiều tranh cãi. Đó là các tài xế, phụ xe sau mỗi chuyến hàng có nên cách ly không? Nếu cách ly thì hàng hóa của các công ty, doanh nghiệp sẽ lấy ai chở tiếp, khi mà sản xuất kinh doanh vẫn phải tiếp tục song song với chống dịch? Và ngày 19/7/2021, UBND tỉnh ra Văn bản số 2638 về triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, trong đó có hướng xử lý tình huống “đi đứng” của tài xế. Đó là “Bắt buộc tất cả lái xe, phụ xe vận chuyển hàng hóa, trước khi xuất bến phải báo cáo, đăng ký với chính quyền địa phương, Sở Giao thông vận tải; đồng thời, khi trở về Bình Thuận phải khai báo lịch trình di chuyển tại chốt kiểm soát dịch và phải lưu trú, sinh hoạt tại địa điểm tập trung riêng biệt do doanh nghiệp, đơn vị vận tải tự bố trí; tuyệt đối không trở về gia đình, khu dân cư nhằm ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho người thân và cộng đồng dân cư”.
Từ đây, nhiều công ty, doanh nghiệp nghĩ đó như là hình thức cách ly 14 ngày tại công ty. Nếu vậy, số tài xế của mỗi đơn vị cao lắm cũng chỉ vài ba người nên rất khó để sắp xếp cho hàng hóa vẫn lưu thông mà không đứt quãng. Trong khi đó, các tài xế thấy sau mỗi chuyến hàng, thu nhập dù có tăng nhưng không thấm vào đâu nếu như bị nhiễm bệnh trên đường hay phải cách ly không được về nhà nên đã không nhiệt tình nhận nhiệm vụ. Có người sẵn sàng nghỉ việc, nếu chủ đuổi. Vì vậy, 10 ngày qua, tại các công ty, doanh nghiệp có hàng hóa phải vận chuyển rất lúng túng, dù xe đã được cấp giấy luồng xanh, đã được phân tích các tài xế, phụ xe chỉ hạn chế tiếp xúc chứ không phải cách ly 14 ngày, tức có hàng thì những tài xế này vẫn chạy. Vì vậy, ngoại trừ các công ty doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng thiết yếu thì còn hoạt động, một số công ty có hàng xuất khẩu đang tính toán phương án dừng, vì nguyên do suy đến cùng là tài xế không chịu chạy xe, do sợ Covid.
Chủ một công ty xuất khẩu ở Bắc Bình cho biết, tháng 8, công ty sẽ ngưng hoàn toàn các dây chuyền sản xuất, chờ dịch qua. Vì hiện các tài xế của công ty không chịu chở hàng đi TP.HCM nên cũng không thể chở nguyên liệu về lại công ty phục vụ cho sản xuất. Cộng thêm, các đối tác cũng đã đóng cửa, chi phí sản xuất tăng cao nên phải ngưng…
Từ đó cho thấy các tài xế là lực lượng quan trọng nhất, là mắt xích quyết định cho mạch hàng hóa được lưu thông. Vì vậy, TP. HCM đã đưa tài xế là đối tượng ưu tiên trong chích vắc xin. Đó cũng là một cách củng cố tinh thần của các tài xế đảm bảo việc điều hành vận tải hàng hóa được thông suốt, nhất là dịch bệnh chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Bích Nghị