Đong tôm giống tại một cơ sở sản xuất tôm giống ở xã Vĩnh Tân. |
Hiện nay Bình Thuận đã hình thành một khu sản xuất tôm giống tập trung nhiều doanh nghiệp quy mô lớn. Toàn tỉnh hiện có 131 cơ sở sản xuất giống thủy sản/683 trại giống. Đa số các trại sản xuất tôm thẻ chân trắng và tôm sú, tập trung chủ yếu tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong. Chỉ tính trong năm 2016, các cơ sở đã cung cấp cho thị trường nuôi được 20,8 tỷ con giống, trong số này chủ lực vẫn là giống tôm thẻ chân trắng với tổng sản lượng trên 19 tỷ con. Riêng 9 tháng năm nay, các cơ sở cũng đã cung cấp cho người nuôi ước 18,5 tỷ con tôm giống, đạt 97,4% kế hoạch năm, tăng 11,2% so cùng kỳ năm trước. Nêu ra con số trên để thấy rằng sản xuất con giống thủy sản nói chung, tôm giống nói riêng đã ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường.
Đến nay, Bình Thuận được coi là trung tâm sản xuất tôm giống lớn nhất nước, đóng góp sản lượng tôm giống khoảng 20% nhưng đạt 70 - 80% về chất lượng con giống của cả nước (chủ yếu vẫn là cung cấp cho các tỉnh phía Nam). Đồng thời, đã góp phần tạo việc làm thường xuyên cho hàng ngàn lao động nuôi và sản xuất giống thủy sản. Theo các chuyên gia, nếu so sánh điều kiện để sản xuất giống chất lượng cao với các nơi trong và ngoài tỉnh thì khu vực xã Vĩnh Tân vốn được xem là vùng đất hội đủ nhiều yếu tố, đặc biệt là nguồn nước để sản sinh ra con giống đạt chất lượng cao mà không phải nơi nào cũng có được… Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là trong khi các cơ sở sản xuất và ngành chức năng của tỉnh đã và đang ra sức xây dựng “thương hiệu” tôm giống Bình Thuận với chất lượng cao để mở rộng thị trường vốn còn rất nhiều tiềm năng này, thì một số người lại “đục nước béo cò”, lợi dụng “thương hiệu” để làm ăn bất chính. Gần đây, một số cơ sở nhỏ lẻ, không tên tuổi, không đủ năng lực ươm nuôi giống có chất lượng, đã trà trộn giống trôi nổi rồi dán mác tôm giống của tỉnh để bán cho người nuôi thu lợi…
Mới đây, Tổng cục Thủy sản đã tiến hành thanh tra đột xuất 17 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống tôm nước lợ tại hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Kết quả thanh tra cho thấy có nhiều cơ sở không cung cấp được các giấy tờ về điều kiện cơ sở; kiểm dịch tôm giống; không xuất trình được các giấy tờ liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ số tôm sú giống đang nuôi giữ; không thực hiện việc kiểm dịch trước khi đưa tôm giống ra thị trường; không xét nghiệm bệnh trước khi cho sinh sản; không thực hiện ghi chép hồ sơ trong quá trình sản xuất, kinh doanh giống theo quy định; chưa kiểm tra điều kiện SXKD theo quy định tại Thông tư 45/2014 của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn… Ngoài ra, theo kết luận thanh tra, có 11 cơ sở “ma”, không có tên theo địa chỉ đăng ký. Trong số này có 4 cơ sở “đứng chân” trên địa bàn tỉnh như: Tôm giống Cà Ná, Tôm giống Vĩnh Hảo, Tôm giống Phan Ngọc (xóm 7, xã Vĩnh Hảo) và Công ty TNHH Phát triển Tôm giống Việt Á – CP (Phú Trinh - Phan Thiết). Đoàn thanh tra cho rằng các cơ sở này thu gom tôm giống không rõ nguồn gốc, đưa ra thị trường và không thực hiện bất kỳ một hoạt động kiểm tra, kiểm soát nào... Như vậy một lượng lớn tôm giống không đảm bảo chất lượng hàng ngày vẫn được trà trộn vận chuyển trót lọt và thả nuôi tại nhiều tỉnh với thương hiệu tôm giống Bình Thuận.
Việc làm ăn gian dối này đã ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của nhiều công ty sản xuất tôm giống trong tỉnh gây bức xúc trong doanh nghiệp và danh tiếng làm ăn cũng bị “vạ lây”. Mong rằng, những cơ sở vi phạm sẽ sớm bị loại khỏi danh sách, trả lại niềm tin cho người nuôi tôm, trả lại thương hiệu tôm giống Bình Thuận đúng nghĩa, góp phần thúc đẩy kinh tế thủy sản cả nước giàu mạnh hơn.
M.Vân