Theo dõi trên

Mất tiền tỷ với thủ đoạn lừa đảo đầu tư tài chính trên mạng

21/03/2024, 18:33

Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến nghị người dùng cảnh giác trước 5 hình thức lừa đảo trực tuyến.

Mất tiền tỷ với thủ đoạn lừa đảo đầu tư tài chính trên mạng

Gần đây, nhiều người dân sống tại Hà Nội khi tham gia đầu tư tài chính trên mạng đã bị lừa từ vài tỷ đồng đến hàng chục tỷ đồng, thậm chí có người đã bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt 57 tỷ đồng.

Có thể kể đến một số phương thức lừa đảo liên quan đến đầu tư tài chính, tiền ảo, tiền mã hóa như: kinh doanh đa cấp tiền ảo, tiền mã hóa biến tướng trên mạng nhằm chiếm đoạt tài sản; lừa đảo qua hoạt động của các sàn giao dịch ngoại hối, quyền chọn nhị phân…


Dù chiêu trò của các đối tượng không mới nhưng rất tinh vi, vì thế vẫn có nhiều người dùng mạng xã hội bị lừa. Đối tượng lập các sàn giao dịch, trang web giả mạo sàn giao dịch quốc tế, sau đó giao cho đội ngũ nhân viên telesale gọi điện mời chào nhà đầu tư tham gia các nhóm tư vấn, trao đổi qua Zalo và Telegram. Sau khi nhà đầu tư tham gia nhóm, đối tượng và thành viên của nhóm liên tục nhắn tin, gọi điện thuyết phục nhà đầu tư thực hiện giao dịch đầu tư tài chính, mua bán tiền ảo, tiền mã hóa nhằm chiếm đoạt tài sản.

Cục An toàn thông tin khuyến nghị người dân luôn cảnh giác, cẩn trọng trước các lời đề nghị hoặc giới thiệu hoạt động đầu tư qua bất cứ hình thức nào, nhất là trên mạng; tìm hiểu kỹ về phía chủ quản, công ty quản trị trước khi đầu tư. Người dân cũng cần trang bị kiến thức về tài chính, đầu tư. Khi thấy không chắc chắn, cần tham khảo đánh giá của chuyên gia tài chính hoặc luật sư để có thể đưa ra quyết định thông minh, an toàn và tránh rủi ro lừa đảo.

Nhiều người dân vẫn ‘sập bẫy’ lừa đảo hỗ trợ lấy lại tiền

Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin, trên không gian mạng, đến nay vẫn có nhiều người dân dù đã bị lừa lần 1 nhưng tiếp tục bị lừa lần 2 và nhiều lần khác bởi các hội nhóm mạo danh lực lượng an ninh mạng, các văn phòng luật và ngân hàng… Một điểm chung của các đối tượng sử dụng hình thức lừa đảo này là đều giới thiệu có mối quan hệ thân thiết với nhiều cơ quan chức năng.


Khẳng định “hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa” là một trong những hình thức lừa đảo trực tuyến đơn vị đã nhiều lần phát cảnh báo, Cục An toàn thông tin đề nghị người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho bất cứ ai thông qua bất kể hình thức nào, bởi việc lộ lọt thông tin sẽ dẫn đến nhiều hậu quả khó lường.

Cùng với đó, nếu nhận được cuộc gọi là hay tiếp xúc với các hội nhóm cung cấp dịch vụ trên mạng xã hội, người dân không giao dịch chuyển tiền cho đối tượng khi chưa tìm hiểu, xác minh. Trường hợp gặp phải tình huống nghi ngờ lừa đảo, người dân cần liên hệ với cơ quan công an để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

Xuất hiện chiêu lừa quét mã QR trên phiếu trúng thường trong bưu phẩm

Đầu tháng 3, nhiều người dùng Facebook tại Việt Nam đã chia sẻ thông tin cảnh báo về hình thức lừa đảo mới: Gửi bưu phẩm tới nhà dân thông qua shipper(người vận chuyển hàng hóa), bên trong có thông báo trúng thưởng chứa mã QR; khi người dân quét mã QR này sẽ bị chiếm quyền điều khiển thiết bị, từ đó bị chiếm đoạt thông tin và tài sản.

Hình thức lừa đảo kể trên sau đó đã được xác nhận không phải là tin giả, khi công an tỉnh Hà Tĩnh và thành phố Thủ Đức (TP.HCM) phát cảnh báo cho biết một số người dân trên địa bàn đã nhận được bưu phẩm có phiếu trúng thưởng gắn mã QR, với yêu cầu người nhận quét mã QR truy cập đường link và cung cấp thông tin cá nhân để thực hiện thủ tục nhận thưởng.


Dù chưa ghi nhận trường hợp người dùng bị lừa đảo trực tuyến bằng hình thức quét mã QR trên phiếu trúng thưởng trong bưu phẩm gửi qua shipper, tuy nhiên, Cục An toàn thông tin cũng nhận định: Khả năng mã QR được in trong phiếu quà tặng để lừa người dân truy cập vào website giả mạo hòng chiếm đoạt thông tin, tài sản là điều hoàn toàn có thể xảy ra”.

Bởi lẽ, lừa đảo bằng mã QR đến nay không còn là hình thức lừa đảo mới. Giai đoạn trước, nhiều người dùng sau khi quét mã QR trên các website hoặc email, đã bị điều hướng sang 1 website lừa đảo, và bị lấy cắp thông tin tài khoản hoặc dẫn dụ để tải mã độc về thiết bị.

Để phòng tránh lừa đảo qua mã QR, Cục An toàn thông tin khuyến nghị người dân thận trọng khi quét mã, đặc biệt là các mã QR ở nơi công cộng hoặc được chia sẻ qua mạng xã hội hay Email. Người dùng cũng cần kiểm tra kỹ thông tin tài khoản người chuyển mã QR, nội dung website mà mã QR chuyển tới; kiểm tra đường link xem có bắt đầu với "https" và có phải tên miền quen thuộc không. Ngoài ra, với phiên bản mới - lừa đảo qua mã QR trên phiếu trúng thưởng trong bưu phẩm, người dân lưu ý thêm rằng không nhận các bưu phẩm không rõ nguồn gốc.

Giả mạo lãnh đạo cấp cao lừa hỗ trợ người dân ‘chạy án’

Đối tượng N.T.H (27 tuổi, trú tại Thừa Thiên Huế) mới đây đã bị Công an Đắk Lắk bắt giữ do có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức mạo danh lãnh đạo nhà nước hỗ trợ chạy án. Để thực hiện hành vi lừa đảo, đối tượng lập nhiều tài khoản ảo trên mạng xã hội có gắn hình ảnh một số lãnh đạo, sau đó nhắn tin cho người nhà nạn nhân tự giới thiệu mình có khả năng can thiệp để giảm án. Với thủ đoạn này, đối tượng N.T.H đã lừa chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.


Nhấn mạnh người dân phải nâng cao cảnh giác hơn nữa bởi không gian mạng ngày càng phức tạp, Cục An toàn thông tin cũng khuyến nghị người dân tìm hiểu, tự trang bị cho bản thân kiến thức để bảo vệ mình trên mạng; và quan trọng hơn cả là người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân. Khi có cuộc gọi lạ hoặc tiếp xúc với hội nhóm cung cấp dịch vụ trên mạng xã hội, người dân không nên giao dịch chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng, cần ‘chậm lại’ để tìm hiểu và xác minh kỹ danh tính đối tượng đó.

Rộ chiêu lừa đầu tư tài chính nhắm vào người dùng ứng dụng hẹn hò

Gần đây, lợi dụng việc ngày càng nhiều người sử dụng các ứng dụng hẹn hò trực tuyến, các đối tượng đã thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, sau khi kết bạn, nói chuyện và tạo được niềm tin với nạn nhân qua các ứng dụng hẹn hò phổ biến như Tinder, EzMatch, Litmatch hay Hullo, đối tượng chuyển sang khuyến khích nạn nhân tham gia đầu tư tài chính.


Thời điểm nạn nhân mới chấp nhận chi tiền đầu tư, tiền lãi được hoàn lại ngay để tăng độ tin tưởng. Nhưng khi nạn nhân bỏ ra số tiền lớn, các đối tượng đưa ra nhiều lý do để chiếm đoạt tài sản như “nâng cấp gói VIP”, ‘hoàn trả quỹ hỗ trợ đầu tư’… Thực tế, đã có những nạn nhân bị lừa chiếm đoạt số tiền lớn, đơn cử như một phụ nữ sống tại Hà Nội đã bị bạn quen qua ứng dụng Tinder lừa mất 5,4 tỷ đồng.

Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin đề nghị người dân cảnh giác khi tham gia các ứng dụng hẹn hò online; đồng thời không tham gia ứng dụng đầu tư tài chính, sàn giao dịch quốc tế được quảng cáo lãi suất cao, tiềm ẩn nguy cơ bị lừa đảo. Nếu phát hiện trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm.

KHÁNH VĨNH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Phòng, chống tham nhũng vặt: Cần phong cách giao dịch hành chính văn minh, trong sáng
Tham nhũng “vặt” vẫn râm ran trong nhân dân giữa bối cảnh Đảng, Nhà nước đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng tiêu cực. Để không còn tình trạng này, cần người dân chung tay xây dựng một phong cách giao dịch hành chính công tâm, văn minh, trong sáng.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mất tiền tỷ với thủ đoạn lừa đảo đầu tư tài chính trên mạng