Anh K’ Văn Thảo và ruộng bắp mô hình. |
Đa dạng các phương pháp phòng, tiêu diệt sâu keo
Bắp là một trong những cây trồng chiếm vị trí khá quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Bình Thuận. Nhiều giống bắp có năng suất cao được phép nhập nội thay thế cho các giống địa phương. Qua đó, đã góp phần mở rộng thêm diện tích trồng bắp hiện nay trên địa bàn tỉnh khoảng trên 15.000 ha.
Tuy nhiên, theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh (chi cục), hiện nay Bình Thuận có hơn 1.700 ha bắp bị sâu keo mùa thu gây hại. Trước tình hình đó, từ tháng 7 - 9/2021, chi cục đã thực hiện mô hình “Quản lý sâu keo mùa thu hại bắp” tại xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc. Đến thời điểm này, theo đánh giá mô hình đạt hiệu quả tốt.
Mô hình này được triển khai trên vùng đất trước đây bị sâu keo gây hại nghiêm trọng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, diện tích bắp của gia đình ông K’ Văn Thảo, xã Đông Giang đang ở giai đoạn phun râu, đậu trái, phát triển tốt và ít sâu bệnh. Chủ ruộng bắp chia sẻ: Mô hình sử dụng giống NK 7328, với lượng giống 20 kg/ ha. Trước khi thực hiện mô hình, chi cục đã tập huấn, chuyển giao kỹ thuật và phương pháp thực hiện mô hình “Quản lý sâu keo mùa thu hại bắp” cho nông dân. Qua đó, bà con trong vùng và hộ dân trực tiếp tham gia được cung cấp những kiến thức, kỹ thuật cơ bản về thực hiện biện pháp dẫn dụ côn trùng, góp phần nâng cao nhận thức, đa dạng các phương pháp phòng, tiêu diệt sâu keo gây hại bảo vệ mùa màng. Từ kết quả đạt được của mô hình, người dân sẽ chủ động áp dụng nhiều biện pháp kết hợp để giảm mật độ sâu keo gây hại trên từng vụ bắp.
Đánh giá kết quả mô hình
Ông Lê Hữu Nhiệm - cán bộ phụ trách mô hình của Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết: Mô hình “Quản lý sâu keo mùa thu hại bắp” được áp dụng đầu tiên trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc, trong vụ hè thu năm 2021. Qua 2 tháng thực hiện mô hình cho thấy, giống xử lý thuốc kháng sâu có mật độ sâu thấp hơn so với giống chưa xử lý thuốc kháng sâu ở thời điểm 7 và 14 ngày khi gieo. Với mô hình “Bẫy chua ngọt” có thể dẫn dụ bướm trên một diện tích lớn diệt sâu keo ngay từ đầu vụ. Nông dân hạn chế sử dụng các loại thuốc hóa học, nhưng vẫn có thể tiêu diệt được nhiều sâu, tác dụng của bẫy kéo dài cả vụ bắp. Ngoài ra còn có thể áp dụng biện pháp này trên các loại cây trồng khác trong nhiều vụ, nhiều năm mà không lo ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Qua thời gian thực hiện mô hình đặt “Bẫy chua ngọt”, ngoài bướm vào bẫy còn có ong, ngài và các loại côn trùng khác.
Dự kiến năng suất lý thuyết của bắp trong mô hình đạt được là 10,5 tấn/1 ha so với năng suất thực thu năm 2020 là 9 tấn/1 ha, cao hơn 1,5 tấn/1 ha. Đặc biệt, trong vụ hè thu năm 2021, vùng sản xuất bắp có áp dụng mô hình này cho thấy hiệu quả cao, tình trạng sâu gây hại cho bắp ít so với các vùng sản xuất khác trên địa bàn huyện. Qua đó, giúp hộ dân nâng cao nhận thức trong sản xuất nông nghiệp theo hướng chủ động và bền vững.
Từ hiệu quả ban đầu của mô hình này, Chi cục Trồng trọt và BVTV đề nghị xã Đông Giang và huyện Hàm Thuận Bắc nhân rộng mô hình trên các cánh đồng. Các địa phương trồng bắp chủ động phòng trừ sâu keo mùa thu ngay từ đầu vụ sản xuất, áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp…
Kiều Hằng