Theo dõi trên

Một công trình cấp thiết với ngư dân La Gi

09/12/2016, 08:22

BT- Không bị ảnh hưởng sự cố môi trường, không thiệt hại vì lũ lụt như ngư dân miền Trung, nhưng ngư dân La Gi đang gặp khó vì các cửa biển ở đây bị bồi lấp, tàu thuyền rất khó ra vào.

Ảnh minh họa

Mới đây (4/11), do áp thấp nhiệt đới vùng biển La Gi có sóng to gió lớn, 6 ghe, xuồng máy chạy vào cảng La Gi gặp lúc cửa biển cạn nên bị sóng đánh chìm, thiệt hại ước tính 500 triệu đồng.

La Gi là một trung tâm nghề cá lớn, đội tàu cá thị xã xấp xỉ 2.000 chiếc, tàu công suất lớn 90CV trở lên đi đánh bắt xa bờ có 924 chiếc, sản lượng hải sản khai thác hàng năm khoảng 60.000 tấn. Để tạo thuận lợi cho tàu thuyền ra vào cửa biển sông Dinh, từ năm 1995 tỉnh và thị xã đã có nhiều giải pháp chỉnh trị cửa biển, quy hoạch khu neo đậu tàu thuyền, xây dựng cảng cá La Gi khang trang, có kè biển, đê chắn sóng, bến đỗ cho tàu 200, 400CV, bãi tiếp nhận hải sản…

Nhưng từ năm 2008 đến nay, tình trạng bồi lấp cửa biển La Gi ngày càng phức tạp, luồng lạch không ổn định, xuất hiện lượng cát lớn bồi lấp làm cạn, hẹp cửa biển. Ngay tại cửa biển hình thành cồn cát lớn gần như lấp mất luồng lạch vào cửa, với chiều dài bồi lấp khoảng 800m.

Tàu thuyền ra vào cảng cá La Gi rất khó khăn, phải chờ thủy triều lên và đi theo lạch nhỏ sát kè đá, trong thời tiết bình thường thì không xảy ra sự cố tai nạn, nhưng khi thời tiết xấu, biển động thì rất nguy hiểm. Mỗi năm trên 40 tàu thuyền của dân La Gi bị thiệt hại do mắc cạn, chìm.

Nhiều tàu cá phải thực hiện trung chuyển, hoặc đến địa phương khác neo đậu (cảng cá Phan Thiết, Bà Rịa – Vũng Tàu), làm chi phí tăng lên đáng kể. Các dịch vụ hậu cần trên cảng La Gi cũng bị ảnh hưởng mạnh do lượng hải sản vào cảng giảm mạnh.

May mắn năm nay nhờ tác động tần suất lũ cao trên sông Dinh, đã làm khơi thông cửa biển, tàu thuyền có thể ra vào an toàn hơn so với năm trước. Nhưng tàu thuyền lớn vẫn phải nhờ các phương tiện lai dắt khi qua cửa (trừ những lúc tranh thủ được con nước lớn). Bà con ngư dân cho biết: tàu thuyền ra vô phải mướn ghe dắt, chi phí một lần dắt ra – vô mất 2,5 triệu đồng.

Đại diện chính quyền thị xã cho biết: Đến nay chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào xác định nguyên nhân bồi lấp cửa biển La Gi. Nhưng nhiều ngư dân lớn tuổi cho rằng tình trạng bồi lấp cửa biển ngày càng tăng do:

Việc thiết kế, thi công kè mo hàn chỉnh trị cửa biển cảng cá La Gi như hiện nay là chưa đủ, cần phải thi công thêm đoạn kè từ đầu kè tả ngạn Bình Tân hướng ra biển.

Công trình hồ chứa nước sông Dinh 3 chặn dòng từ năm 2012 đã phát huy hiệu quả tích cực là tích nước, chống hạn và thiếu nước sinh hoạt cho La Gi, nhưng đồng thời đã làm mùa mưa lưu lượng lũ đổ về sông Dinh ra cửa biển La Gi không đủ sức giải tỏa lượng cát bồi lấp trong mùa nam, nên cửa biển ngày càng bồi lấp nghiêm trọng hơn.

Trước tình trạng trên, vài năm nay La Gi đã triển khai nạo vét luồng lạch sông Dinh và duy tu luồng cửa biển La Gi theo phương thức xã hội hóa. Nhưng do cát nhiễm mặn không tiêu thụ được, phương thức xã hội hóa lấy thu bù chi không đạt, nhà đầu tư thua lỗ nên lừng chừng không có động lực thực hiện dự án. Thị xã cho biết: Thời gian tới nếu dự án nạo vét theo cách xã hội hóa không tiến triển, sẽ kiến nghị tỉnh bố trí vốn ngân sách để nạo vét cửa biển.

Một cửa biển khác của La Gi bị cát bồi lấp mất là cửa Ba Đăng – xã Tân Hải. Cửa biển này nhiều năm qua chưa được nạo vét khơi thông, ảnh hưởng lớn đến hoạt động đánh bắt của mấy trăm tàu thuyền 2 xã Tân Hải, Tân Tiến, gây nguy hiểm đến tính mạng, phương tiện khi ra vào cửa biển, nhất là khi thiên tai bão lũ xảy ra.

Kết cấu hạ tầng phục vụ nghề biển và phòng tránh thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu ở La Gi rõ ràng chưa đáp ứng được yêu cầu của dân. Khó khăn nhất là do thiếu nguồn lực, nên biện pháp khắc phục chỉ là tạm thời và ít hiệu quả. Cử tri La Gi đã kiến nghị lên tỉnh, lên Đoàn ĐBQH. UBND tỉnh đã phê duyệt dự án đầu tư mở rộng và nâng cấp khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá cửa biển La Gi, với tổng mức đầu tư 135 tỷ đồng. Công trình đã hoàn tất thủ tục đầu tư và bàn giao mặt bằng, sẽ thi công khi bố trí được vốn. Bà con ngư dân La Gi mong Nhà nước ưu tiên vốn cho công trình cấp thiết này, trước mắt là cấp vốn nạo vét khơi thông cửa biển, để thuận lợi vươn khơi bám biển sản xuất và tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo đất nước.

K.N



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Một công trình cấp thiết với ngư dân La Gi