Những năm gần đây, người nuôi hải sản lồng bè ở Phú Quý gặp rất nhiều rủi ro. |
Nuôi thủy sản lồng bè trước đây được coi là một mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Phú Quý, do đó diện tích nuôi đã phát triển mạnh với các loại chủ yếu như cá mú, cá bớp, cá chình, ốc… Thậm chí một số người đã bỏ nghề lênh đênh trên các con tàu khơi xa để đầu tư lồng bè nuôi cá. Tuy nhiên, những năm gần đây người nuôi hải sản ở Phú Quý gặp rất nhiều khó khăn và rủi ro. Ngoài việc giá cá xuống thấp, các chi phí tăng dẫn đến lợi nhuận thấp thì người nuôi cá luôn phải đối mặt với những rủi ro, gây thiệt hại lớn. Chỉ tính riêng trong năm qua, nghề nuôi cá lồng bè của huyện đã gặp phải hai biến cố lớn, gây thiệt hại không nhỏ về tài sản. Điển hình vào tháng 9/2017, đã có gần 8.300 con cá mú nuôi tại khu vực Lạch Dù, xã Tam Thanh của 22 hộ dân bị chết, ước thiệt hại 1,33 tỷ đồng. Nguyên nhân được xác định là do tảo biển chết, khi phân hủy làm nước biển bị thiếu oxy, khiến cá bị chết hàng loạt. Gần đây nhất, cuối tháng 12/2017, do ảnh hưởng của bão số 15 kết hợp gió mùa đông bắc thổi mạnh đã làm 25 lồng bè nuôi hải sản bị sóng đánh vỡ. Số tiền thiệt hại trong vụ việc ước tính hơn 4,4 tỷ đồng.
Được biết, tại Phú Quý hiện có khoảng 70 hộ nuôi cá lồng bè với gần 11.000 m2 mặt nước. Trước khó khăn và rủi ro của các hộ nuôi gặp phải, những năm qua huyện Phú Quý đã có chủ trương khuyến khích người dân tìm con nuôi thích hợp, giá cả ổn định (gần đây đã có một số hộ triển khai nuôi thí điểm bào ngư để xuất khẩu). Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng kiểm soát chặt chẽ không cho phát triển thêm diện tích lồng bè mới, do nghề này đe dọa tới môi trường và các rạn san hô ven bờ.
Đình NhưỢng