Theo đó, để đáp ứng yêu cầu của Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng; Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 đã có nhiều điểm mới, đáng chú ý như quy định một số hành vi tham nhũng không những trong lĩnh vực công mà còn ở cả lĩnh vực ngoài nhà nước. Cụ thể, tại Điều 2 đã quy định các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện gồm: tham ô tài sản; nhận hối lộ; đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi. Một số nhóm giải pháp phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị được quy định rõ ràng hơn, như nhóm giải pháp chuyển đổi vị trí công tác; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; đồng thời quy định cụ thể phải thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các khoản thu, chi có giá trị lớn tại địa bàn đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng để thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của Chính phủ, các khoản chi lương, thưởng và chi khác có tính chất thường xuyên.
Bên cạnh đó, liên quan đến việc kê khai tài sản thu nhập, đã mở rộng hơn đối tượng phải kê khai. So với Điều 44 Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005 chỉ quy định “một số” cán bộ, công chức; Điều 34 Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 quy định người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập gồm: cán bộ, công chức; sĩ quan công an nhân dân; sĩ quan quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; người giữ chức vụ từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu HĐND.
Về tài sản phải kê khai, ngoài phải kê khai các loại tài sản, thu nhập như quy định trước đây, Điều 35 Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 yêu cầu còn phải kê khai thêm công trình xây dựng, tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng và phải kê khai tổng thu nhập giữa 2 lần kê khai. Đồng thời tại Điều 36 đã quy định thời điểm kê khai tài sản, thu nhập trước ngày 31/12, trong khi luật hiện hành không quy định thời điểm kê khai; người lần đầu giữ vị trí công tác thuộc diện kê khai phải hoàn thành việc kê khai chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày được tiếp nhận, tuyển dụng, bố trí vào vị trí công tác.
Ngoài ra, tại Điều 39 quy định bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm. Điều 51 còn thể hiện việc kê khai không trung thực về tài sản, thu nhập có thể bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm; trường hợp đã được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch; nếu dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ mà kê khai không trung thực thì không được bổ nhiệm, phê chuẩn hoặc cử vào chức vụ dự kiến…
Hiện nay, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành yêu cầu bức thiết. Thời gian gần đây, việc phát hiện, xử lý các vụ án tham nhũng được đẩy mạnh. Tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án được đẩy nhanh, hiệu quả hơn, được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Việc thông qua Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 với những quy định mới, cùng với việc nhà làm luật đã tội phạm hóa một số hành vi tham nhũng trong Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cho thấy Việt Nam ngày càng khẳng định là một thành viên trách nhiệm và tích cực trong quá trình thực hiện Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng. Với sự nỗ lực đó, trong thời gian tới tình hình đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta sẽ có những chuyển biến tích cực và đạt kết quả tốt hơn.
Ngọc Điền