Xác xơ vườn điều
Tôi về Đức Linh, Tánh Linh và Hàm Tân là 3 huyện chủ lực có cây điều của tỉnh. Thế nhưng nhìn những vườn điều bông quắt queo xơ xác trước cái nắng hanh vàng giữa mùa khô mà lòng thấy xốn xang. Dọc theo quốc lộ 55 từ Hàm Tân vào Tánh Linh những rẫy điều của dân không tìm thấy được chùm trái nào sai quả như mọi năm. Anh Nguyễn Quang ở xã Tân Đức, Hàm Tân có 1 ha điều gần 10 năm tuổi cây tương đối lớn, bông ra nhiều nhưng khô “tìm đỏ con mắt” chẳng thấy chùm trái nào. Dẫn tôi đi thăm quanh vườn điều anh không khỏi xót xa: Mấy năm trước vườn điều nhà tôi thu từ 2 - 3 tấn, ít lắm cũng được 1,5 tấn nhưng năm nay giỏi lắm thì được 100 kg là cùng.
Ngược lên Đức Linh từ xã Trà Tân về Đức Hạnh đến Võ Xu, Mê Pu, Sùng Nhơn những vườn điều của dân từ gần nhà cho đến tận rẫy là màu xám xịt vì bông bị khô. Những chùm bông khô cứng còn nằm nguyên trên cây chưa rụng như những hạt muối xát vào lòng người trồng rát rạt. Đức Linh là địa phương được ví là thủ phủ điều của Bình Thuận bởi diện tích điều hiện nay chiếm hơn 1/2 diện tích điều toàn tỉnh. Nông dân Đức Linh cũng khá có lợi thế khi gần thị trường Đồng Nai, Bình Dương nên bán giá lúc nào cũng nhỉnh hơn các địa phương khác. Tuy nhiên năm nay nhà nhà trồng điều đều “bó tay” trước cảnh “bông điều khô trước gió”. Anh Lê Bé – Chủ tịch Hội Nông dân xã Mê Pu, chua chát: Toàn xã có 1.800 ha điều nhưng đã bị hư bông trên 90%. Dân trong xã đầu tư khá mạnh cho cây điều, năm nay lại càng đầu tư nhiều hơn vì khi thấy bông bị khô bà con tốn chi phí phun thuốc gấp đôi mọi năm nhưng chẳng có hiệu quả… Theo anh Bé, gia đình anh có 3,5 ha điều, bình quân mọi năm thu 3 tấn/ha. Tổng thu cũng hơn 200 triệu nhưng năm nay mất trắng. “Tuy nhiên, nhà tôi kinh tế ổn còn nhiều hộ trong xã khó khăn cả năm trông chờ vào mùa điều để có kinh phí trang trải cuộc sống, bây giờ hụt hẫng, tiền phân thuốc đầu tư vào chẳng thu lại vốn. Tỉnh nên có chính sách hỗ trợ cho bà con nghèo bị thất thu trong vụ điều này”, anh Bé kiến nghị. Ông Nguyễn Minh Nghị - Phó phòng Nông nghiệp - PTNT Đức Linh cho biết: Toàn huyện có 10.053 ha điều, hầu hết các xã, thị trấn đều có điều. Một số xã có điều nhiều là Mê Pu, Sùng Nhơn, Đức Hạnh, Tân Hà… nhưng đến nay các vườn điều bông hư hại từ 80 - 90%.
Tại Tánh Linh, nhiều tư thương rao giá 45.000 - 47.000 đồng/kg, mức giá cao gấp đôi năm ngoái và là mức giá cao kỷ lục cho hạt điều nhưng chưa ai có được tạ nào để bán. Dân tình vừa tiếc vừa đau cho vụ điều mất trắng. Tánh Linh có diện tích điều ít hơn Đức Linh nhưng nhiều hộ có điều cũng “khóc như mưa” bởi bông điều khô cháy cả vườn, chẳng chừa được cây nào “ra hồn”. Huyện hiện có 3.988 ha, trong đó có 606 ha trồng mới, 3.382 đang thu hoạch nhưng hầu như bị mất trắng hoàn toàn…
Nông dân chờ phát triển cây điều bền vững…
Đến thời điểm này, hầu hết các vườn điều trong tỉnh hầu như bị thiệt hại… không đếm xuể. Nhưng không ai biết lý do vì sao điều lại “khô bông toàn tập”. Một số lão nông có thâm niên gắn bó với cây điều lâu năm cho rằng do thời tiết thất thường, năm nay có nhiều trận mưa trái vụ nên bông điều bị khô. Tuy nhiên có người lại cho rằng do giống điều cũ không có tính đề kháng cao nên “gãy” trước thời tiết. Câu hỏi vì sao điều khô bông vẫn đang chờ các cơ quan chức năng trả lời.
Tuy nhiên với ông Nguyễn Văn Thanh ở Lạc Tánh, nơi có 665 ha điều - nhiều nhất ở huyện Tánh Linh thì ngành nông nghiệp cần có quy hoạch và chế độ hỗ trợ cho nông dân về giống điều mới để người dân có lộ trình cải tạo vườn điều, tiến tới phát triển bền vững.
Bình Thuận hiện có khoảng 18.000 ha điều, chủ yếu trồng tập trung ở 3 huyện Đức Linh, Tánh Linh và Hàm Tân. Cuối năm 2016, tỉnh xác định cây điều là một trong những loại cây trồng chủ lực đến năm 2020. Chủ trương của tỉnh sẽ trồng tái canh và cải tạo giống 12.500 ha điều, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng, bảo đảm yêu cầu xuất khẩu hạt điều. Tỉnh cũng triển khai hỗ trợ từ 50 - 80% giá cây giống cho đồng bào, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở các xã miền núi khó khăn, hỗ trợ giống, vật tư, phân bón và kinh phí chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất…
Tôi nhớ trong chuyến làm việc của Phó Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An với Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Linh hồi năm 2016, sau khi nghe báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, khi nói đến cây điều, Phó Bí thư hỏi lại lãnh đạo huyện: Tại sao Đức Linh có hơn 10.000 ha điều, năng suất đạt 1 - 1,2 tấn/ha nhưng Đức Linh không có nhà máy chế biến hạt điều, để người dân bán hạt qua cho các nhà máy ở Đồng Nai, Vũng Tàu, Bình Dương… rồi nhận ngược trở lại hạt thô để gia công tách vỏ cho các nhà máy này. Ở Bình Phước năng suất điều đạt bình quân từ 3 tấn/ha trở lên, trong khi thổ nhưỡng, thời tiết ở Đức Linh rất phù hợp với cây điều, tại sao năng suất điều ở Đức Linh bình quân chỉ đạt 1 - 1,2 tấn/ha. Trả lời câu hỏi của Phó Bí thư, lãnh đạo huyện cho rằng do giống điều người dân trồng đã cũ, trong khi các vườn điều ở Bình Phước đã cải tạo, thay giống mới năng suất cao hơn. “Vậy thì phải phối hợp với Sở Nông nghiệp - PTNT tìm cách giúp dân cải tạo vườn điều để dân có thu nhập cao hơn. Đừng để điều… trớ trêu xảy ra với cây điều”, Phó Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An chỉ đạo…
Mùa điều 2017 là mùa điều “đắng chát” với người dân. Để phát triển cây điều theo hướng bền vững, tỉnh cần đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, chọn tạo các giống điều mới năng suất, chất lượng cung cấp cho người trồng điều. Hỗ trợ các cơ sở chế biến thay đổi công nghệ để nâng cao chất lượng hạt điều…
TRẦN THI