Theo dõi trên

Mùa “vàng” khoai môn ở Đức Linh

11/10/2024, 05:13

Khác với thời điểm này năm ngoái, nông dân trồng khoai môn “thua” cả về sản lượng lẫn giá cả, thì năm nay, vùng trồng khoai môn rộng lớn với hơn 200 ha ở các xã Đông Hà và Trà Tân, Tân Hà huyện Đức Linh đang vào thu hoạch rộ khoai môn, với sản lượng và giá cả đều tăng gấp đôi. Niềm vui ấy thể hiện rõ trên từng khuôn mặt của từng hộ trồng và người thu mua, tiêu thụ loại nông sản này.

Niềm vui được mùa

Những ngày trung tuần tháng 10, chúng tôi có mặt ở cánh đồng bạt ngàn hoa màu đang mùa thu hoạch rộ tại xã Tân Hà, huyện Đức Linh. Sau cơn mưa lớn trong đêm, dù đường xuống ruộng khá khó khăn, nhưng ở từng đám ruộng rộng lớn tập kết rất nhiều nông sản sau thu hoạch. Ông Vũ Văn Thìn, nông dân xã Tân Hà chia sẻ: Vụ hè thu năm nay, gia đình trồng 2 ha khoai môn. Nhờ thời tiết khá thuận lợi nên vụ thu hoạch này năng suất đạt khoảng 1,5 tấn/sào, với giá bán bình quân 25.000 đồng/kg, nên sau khi trừ chi phí, thu lãi hơn 20 triệu đồng/sào. Trong khi đó, thời điểm này năm ngoái, do năng suất và giá bán giảm hơn nên bà con chỉ thu lãi một nửa với khoảng 10 triệu đồng/ sào.

181933b5f2ae4bf012bf.jpg
Ông Thìn tại vườn khoai môn chuẩn bị lứa thu hoạch tiếp theo.

Cùng chung niềm vui được mùa, ông Phan Văn Huy ở cùng xã chia sẻ, gia đình vừa thu hoạch hơn 2 sào khoai môn với sản lượng và giá cả đều tăng gần gấp đôi năm ngoái nên bà con rất phấn khởi vì lãi cao. Bà con trồng khoai môn tại đây cho biết, với điều kiện đất đai ở địa phương phù hợp, nên khoai môn từ khi xuống giống đến thu hoạch khoảng 5 - 6 tháng, chi phí đầu tư khoảng 15 triệu đồng/sào. Với năng suất và giá bán hiện tại, nông dân lợi nhuận khá. Trong khi đó, thời điểm này năm ngoái giá bán chỉ từ 10.000 – 12.000 đồng/kg do đụng hàng, dội chợ khiến nông dân thua lỗ hoặc hòa vốn.

65fada6b1070a92ef061.jpg
Điểm thu mua, phân loại khoai môn sau thu hoạch tại Đức Linh thời điểm này.

Theo tìm hiểu được biết năm nay, ngoài điều kiện thời tiết, cộng với nông dân chịu khó mạnh dạn đầu tư sản xuất nên khoai môn đạt năng suất khá cao. Không chỉ trúng mùa mà nông dân trồng môn còn trúng giá, thương lái tìm đến tận ruộng rẫy thu mua 24.000 - 26.000 đồng/kg. Theo các hộ dân, bà con đang trồng 2 loại khoai môn, trong đó loại môn sáp vàng vì mới canh tác thử nghiệm cách đây hai năm, năng suất không cao và thị trường chưa rộng mở. Riêng khoai môn chỉ tím chiếm đến 90% vì nông dân đã quen sản xuất gần chục năm nay, tiêu thụ thị trường trong nước lẫn xuất khẩu.

7496d307191ca042f90d.jpg
Đóng gói, phân loại  khoai môn tươi tại vựa, chuẩn bị vận chuyển tiêu thụ tại TP. Hồ Chí Minh.

Bà Nguyễn Thị Suối – người thu mua nông sản lâu năm tại xã Đông Hà, huyện Đức Linh cho biết: “Năm nay bà con địa phương thắng lớn vụ thu hoạch khoai môn với sản lượng thu mua từ đầu vụ tới nay đạt gần 3.000 tấn. Thời điểm đầu vụ giá thu mua lên đến 26.500 đồng/kg, thời điểm này đang ở mức 23.000 đồng/kg. Từ nay đến cuối vụ còn khoảng 1.000 tấn khoai tại ruộng sẽ được thu mua tại ruộng, phân loại và vận chuyển tiêu thụ tại các chợ đầu mối tại TP. Hồ Chí Minh”. Bà Suối cho biết thêm, hiện tại thị trường khoai môn của Bình Thuận rất thuận lợi, chất lượng loại nông sản này đang được khách hàng ưa chuộng để tiêu thụ tươi và chế biến xuất khẩu.

86dd388afd9144cf1d80.jpg
Chất lượng củ khoai môn Đức Linh năm nay được thị trường ưa chuộng.

Lợi nhuận cao

Theo đánh giá của ông Trương Quang Đến – Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Linh, từ đầu năm 2024 đến nay toàn huyện đã chuyển đổi khoảng 200 ha cây khoai môn sáp trên đất cây tiêu chết, đất màu cho năng suất 20-25 tấn/ha, giá bán dao động từ 18.000 -24.000 đồng/kg, doanh thu trên 400 triệu đồng/ha, lợi nhuận trên 200 triệu đồng/ha. Nhìn chung, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn có khá nhiều thuận lợi cho nông dân. Đó là giá cả phân bón, vật tư nông nghiệp ổn định. Nhất là giá thị trường một số mặt hàng nông sản như lúa, giá củ khoai môn, giá mủ cao su, giá hồ tiêu tăng, năng suất một số cây trồng đạt khá so với cùng kỳ. Nhờ đó bà con tăng thêm thu nhập, tạo thuận lợi cho người dân tái sản xuất. Tuy vậy, bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp của huyện thời gian qua bị ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng kéo dài, một số vùng thiếu nước tưới, thiếu nước sinh hoạt. Cuối vụ hè thu và đầu vụ mùa mưa lớn, kèm lốc xoáy gây thiệt hại sản xuất, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

53cffeed27f69ea8c7e7.jpg
Nông dân chuyển đổi giống cây trồng bằng cây khoai môn ở vùng đất thường bị ngập trước đó.

Cũng theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Linh, thời điểm này cũng là thời điểm thu hoạch khoai môn vụ hè thu, ngành nông nghiệp huyện Đức Linh cùng nông dân các xã trên địa bàn đang tập trung xuống giống, chăm sóc và theo dõi, phòng trừ các loại sâu bệnh trên cây trồng vụ mùa năm 2024. Qua đó, bà con kỳ vọng bên cạnh việc chuyển đổi cây trồng khoai môn đạt năng suất, giá cả tăng cao hiện nay, các cây trồng khác sẽ bội thu, được mùa, được giá bởi mùa “vàng” như vụ thu hoạch khoai môn hiện tại.

KIỀU HẰNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Đức Linh: Thêm sản phẩm chất lượng từ các mô hình kinh tế tập thể
Xác định kinh tế tập thể (KTTT) là nhân tố quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua huyện Đức Linh đã triển khai nhiều biện pháp, tạo mọi thuận lợi để các tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động hiệu quả, cũng từ đây huyện có thêm nhiều mô hình, sản phẩm phù hợp với tiềm năng, thế mạnh địa phương được đưa ra thị trường…
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mùa “vàng” khoai môn ở Đức Linh