Theo dõi trên

Muộn màng vụ cá nam

10/11/2016, 07:43

BT - Mùa cá nam năm nay vẫn đang còn tiếp tục, vì hiện nay lượng cá cơm vẫn được khai thác do muộn hơn mọi năm. Ngư trường và thời tiết năm nay diễn biến khá bất thường,  không thuận lợi cho các thuyền nghề tham gia khai thác, do nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả khai thác của các nghề trên địa bàn thành phố Phan Thiết. Các thuyền nghề công suất lớn hoạt động tuyến khơi tham gia khai thác tại vùng biển Trường Sa và một số ngư trường truyền thống khác đạt sản lượng khá. Tuy nhiên do ảnh hưởng nhiều yếu tố khách quan, chủ quan nên giá bán sản phẩm tại chỗ chưa cao đã ảnh hưởng đến lợi nhuận mỗi chuyến biển.

Theo Phòng Kinh tế TP. Phan Thiết, vụ cá nam năm nay đến muộn hơn so với các năm trước. Vào thời điểm chính vụ cá nam, ruốc, cá cơm, các loài cá nổi khác xuất hiện với mật độ tương đối và kéo dài trong nhiều ngày, hầu hết các thuyền nghề hoạt động đạt sản lượng trên tất cả các tuyến và kéo dài đến hết vụ. Sản lượng trong năm ước đạt 56.800 tấn. Sản lượng cá vẫn chiếm ưu thế với 36.570 tấn, tôm (2.780 tấn), mực (6.500 tấn); riêng các loại hải đặc sản 2.860 tấn; hải sản khác 7.910 tấn; đạt 102% so cùng kỳ năm 2015, đạt 100% kế hoạch.

         

Từ đầu năm đến nay, việc quản lý tàu cá Phan Thiết cũng được giám sát chặt chẽ, xử lý vi phạm 48 vụ với các hành vi chủ yếu khai thác sò lông trong thời gian cấm, sử dụng tàu cá không đăng ký; sử dụng lưới có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định; giã cào bay sai vùng khai thác; lực lượng thanh tra chuyên ngành của Chi cục Thủy sản xử lý với tổng số tiền phạt là 221.300.000 đồng. Riêng TP. Phan Thiết hiện có 1.752 chiếc tàu thuyền/253.763 CV, bình quân 144,9 CV/ chiếc. Trong đó: tàu cá có công suất từ 20 CV trở lên 1.512 chiếc/251.085 CV (loại trên 90 CV 866 chiếc/ 222.417 CV); tàu cá có công suất dưới 20CV  240 chiếc/ 2.678 CV. Đăng kiểm định kỳ cho tàu cá có công suất trên 20 CV tại địa bàn  thành Phan Thiết được 1.179 chiếc/1.512 chiếc. Đạt tỷ lệ 78%, cấp giấy khai thác thủy sản cho tàu cá có công suất dưới 20 CV được 77chiếc/ 240 chiếc, đạt tỷ lệ 32,1%.

Từ khi Nghị định 67 ra đời, ngư dân tại thành phố đã có những chuyển biến trong suy nghĩ và thực hiện chuyển đổi ngành nghề đánh bắt. Nhiều hộ dân đã được UBND tỉnh phê duyệt, được hỗ trợ vốn để đóng mới tàu cá, nâng cấp phương tiện hành nghề như ông Đỗ Đình Hửng (khu phố 6 phường Đức Thắng) hoàn thành việc đóng mới và đưa tàu cá vỏ gỗ, công suất 800 CV hoạt động nghề thu mua vào hoạt động, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận đã giải ngân 5,9 tỷ đồng. Hay trường hợp ông Nguyễn Gạt ở phường Hưng Long đã hoàn thành việc đóng mới và đưa tàu cá vỏ gỗ, công suất 405 CV hoạt động nghề câu khơi kiêm mành chà vào hoạt động nhờ nguồn vốn vay 3 tỷ đồng từ  Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bên cạnh đó, như trường hợp ông Lê Phước đăng ký nâng cấp 1 tàu cá hoạt động nghề lưới kéo đơn sang nghề lưới rê xù. Tàu cá nâng cấp công suất, vỏ, mua trang thiết bị hoạt động nghề lưới rê xù đã triển khai thực hiện tại cơ cở đóng sửa tàu thuyền Lộc Minh, hạ thủy vào ngày 4/9/2016.

Chính ý thức được hiệu quả của việc chuyển đổi ngành nghề, nên nhiều ngư dân đã mạnh dạn thực hiện chủ trương vay vốn đầu tư như là bước đột phá trong nghề đánh bắt. Nhiều trường hợp khác đang đóng mới với tàu công suất lớn như hộ ông Nguyễn Hồng Ánh (Hưng Long), Trần Văn Hoan (Phú Hài), Đỗ Văn Tấn (Phú Tài), Phạm Hai (Phú Thủy) để chuẩn bị cho hành trình hướng ra biển đánh bắt nhằm thay đổi cuộc sống cho gia đình và góp phần thực hiện đúng đắn Nghị định 67.

Quang Nhân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Gian nan đường xuất ngoại
Khi Thanh Thúy bị CLB Kuzeyboru tuyên bố chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, người hâm mộ 4T và bộ môn bóng chuyền nói riêng cũng như thể thao nước nhà nói chung lại có thêm một nỗi buồn. Buồn vì những ngôi sao hàng đầu của thể thao Việt Nam khi xuất ngoại gặp quá nhiều gian nan và đều trở về trong “thất bại”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Muộn màng vụ cá nam