Những ngày đầu tháng 5 vừa qua, cùng với một số tỉnh, thành phía Nam, Bình Thuận đã xuất hiện những cơn mưa “vàng” giải nhiệt tại một số địa phương. Qua theo dõi tại các trạm đo mưa, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết từ ngày 2 – 5/5, những cơn mưa đầu mùa đã xuất hiện tại các xã, thị trấn như như Đức Phú, Đức Thuận, Gia An, Bắc Ruộng… (Tánh Linh), Đức Hạnh, Đa Kai (Đức Linh), Tân Đức (Hàm Tân), Hàm Tiến (Phan Thiết)… Đây là tín hiệu đáng phấn khởi trong bối cảnh nắng hạn kéo dài, khiến hàng ngàn hộ dân có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt và gần 1.000 ha cây trồng bị thiếu nước tưới trên địa bàn tỉnh.
Theo chia sẻ của anh Trần Đức Tuấn ở xã Đông Hà, huyện Đức Linh, sau mấy tháng liền khô hạn, sự xuất hiện của 2 cơn mưa lớn vào cuối tuần qua khiến bà con rất vui mừng. Hàng chục ha cây ăn trái, cây lâu năm đang thiếu nước tưới đã được làm dịu gốc bởi cơn mưa đầu mùa này. Cùng thời điểm trên, tại địa bàn huyện Tánh Linh cơn mưa đầu mùa đã xuất hiện, thỏa sự mong chờ của người dân sau chuỗi ngày nắng nóng, hạn hán kéo dài. Đồng thời góp phần cứu hạn một số diện tích cây trồng đang thiếu nước tưới, nhưng không nhiều. Về cơ bản, nhờ nguồn nước thủy lợi đã chủ động cấp nước tưới hầu hết diện tích sản xuất nông nghiệp của huyện. Cùng thời điểm đó, nhiều vùng khô hạn khác trong tỉnh như Tân Thắng, Thắng Hải (Hàm Tân), Thuận Hòa (Hàm Thuận Bắc)… chưa có mưa đầu mùa. Điều này khiến tình hình hạn hán, thiếu nước tưới cây trồng vẫn đang diễn ra, nên người dân đang rất mong chờ.
Theo các cơ quan chuyên môn, tác động của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu nên tình trạng nắng nóng gay gắt trong tháng 3 và tháng 4/2024 vừa qua. Dự báo tình hình thời tiết từ tháng 5 - 9/2024, hiện tượng El Nino suy yếu dần và chuyển sang trạng thái trung tính. Từ tháng 7 - 9/2024 có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina. Cùng với sự biến chuyển của hiện tượng ENSO như vậy thì năm nay sẽ là một năm thiên tai có rất nhiều điều bất thường. Trong đó mùa hè năm 2024 khu vực Tây Nguyên và Nam bộ từ nay đến ngày 10/5 không xảy ra nắng nóng, từ ngày 11 - 16/5 có thể xuất hiện đợt nắng nóng với nhiệt độ 35 - 38 độ, ít mưa, độ ẩm thấp nhất từ 55 - 65%.
Đặc biệt theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, trong thời gian tới, nhiệt độ trung bình có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm. Nhất là trong mùa hè, nắng nóng có khả năng tiếp tục xuất hiện nhiều đợt và gay gắt hơn, nguy cơ tiếp tục xảy ra nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, nhất là ở khu vực Trung bộ, Nam bộ (trong đó có Bình Thuận). Tổng lượng mưa trong tháng 5 các tỉnh Đà Nẵng đến Bình Thuận thiếu hụt từ 20 - 40 mm. Ngoài ra, cần chủ động đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn, áp thấp nhiệt đới, bão nên các địa phương cần thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, khí tượng, thủy văn để có các giải pháp, chỉ đạo sản xuất, ứng phó kịp thời, hiệu quả.
Về thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh hiện nay, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành nông nghiệp đang vận hành, khai thác hiệu quả các hệ thống thủy lợi để điều phối nguồn nước, đáp ứng tốt nhất nhu cầu nước cho các đối tượng sử dụng theo khả năng nguồn nước hiện có, chống để thất thoát, lãng phí. Cùng với đó, chủ động nạo vét kênh mương, hồ chứa nước bị bồi lắng để khôi phục, tăng khả năng trữ nước trong mùa mưa… Ngoài ra, trước tác động bởi điều kiện thời tiết cực đoan, hiện nay các cấp chính quyền địa phương, sở ngành và đơn vị liên quan của tỉnh đã triển khai thực hiện các giải pháp phi công trình và công trình nhằm giải quyết nguồn nước phục vụ sản xuất, giảm thiểu mức thấp nhất ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và thiệt hại đối với sản xuất.