Phát biểu tại “Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam 2019” do Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) và Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh phối hợp tổ chức sáng 17/9 tại Hà Nội, ông Phạm Ngọc Linh, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Ban Tuyên Giáo Trung ương nhận định, nguồn điện cung cấp cho phát triển công nghiệp nói riêng, nền kinh tế nói chung phụ thuộc hoàn toàn vào việc sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch, là nguồn phát thải CO2 chủ yếu hiện nay.
Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực trên toàn thế giới (thảm họa cháy rừng Amazon, bão Dorian tàn phá đảo Bahamas nước Mỹ) Việt Nam cũng phải đối diện bài toán tìm nguồn năng lượng mới. Đặc biệt, khi hạn chế sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất của nhiệt điện than, là nguồn chiếm khoảng 48% sản lượng điện trên cả nước.
“Xu hướng nhiệt độ tăng, mưa giảm trong những năm qua khiến nhiều hồ thủy điện tại miền Trung - Tây Nguyên đang gần mực nước chết, gây áp lực lớn cho việc đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Để đối mặt với tình trạng này, việc tìm nguồn nguyên liệu mới thay thế là bắt buộc. Năng lượng tái tạo chính là nguồn năng lượng của tương lai gần để dần thay thế các nguồn điện truyền thống”, ông Linh nói.
Phiên thảo luận “Chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam: Cơ hội, thách thức và bài học kinh nghiệm từ quốc tế” |
Cũng theo ông Linh, từ năm 2017 đến nay, Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách ưu tiên phát triển Năng lượng tái tạo để thúc đẩy sản xuất và thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài nước. Chỉ trong thời gian 2 năm, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện quốc gia tăng nhanh từ không đáng kể lên hơn 9% với 2 nguồn chủ yếu là điện gió và điện mặt trời.
“Đó là những thay đổi tích cực thể hiện sự nỗ lực cần được ghi nhận của người dân và chính phủ, để giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng truyền thống nhằm bảo vệ môi trường, vì sự phát triển bền vững của Việt Nam”, ông Linh đánh giá và nêu rõ, điều quan trọng hiện nay của Việt Nam là từng bước hoàn thiện quá trình chuyển dịch từ nguồn nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo. Việc phát triển năng lượng tái tạo không chỉ đóng góp trực tiếp cho sự vận hành, phát triển của ngành điện mà còn mang lại những ảnh hướng tích cực đến đời sống – xã hội và sự phát triển chung của toàn nền kinh tế.
Với chủ đề “Chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam: Cơ hội, thách thức và bài học kinh nghiệm từ quốc tế”, Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam 2019 diễn ra từ ngày 17 - 18/9 tại Hà Nội và kết thúc ngày 20/9 tại Cần Thơ. Mục tiêu của chương trình sẽ tạo diễn đàn cho các bên liên quan đối thoại nhằm ghi nhận các bài học thành công và tìm ra các giải pháp tháo gỡ những khó khăn để thúc đẩy công cuộc chuyển dịch năng lượng bền vững tại Việt Nam; cập nhật các chính sách và cơ chế hỗ trợ, và chia sẻ các bài học kinh nghiệm trong quá trình chuyển dịch năng lượng của một số quốc gia trên thế giới; Trao đổi về đồng lợi ích và những tác động đi kèm từ việc phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam; cập nhật và lan tỏa thông tin tới công chúng về các ứng dụng và những lợi ích của năng lượng tái tạo.
Tuần lễ năng lượng tái tạo 2019 cũng là cơ hội để mang tiếng nói của các bên liên quan đóng góp vào quá trình thúc đẩy chuyển dịch năng lượng hiệu quả và bền vững tại Việt Nam, cụ thể là đóng góp cho những định hướng phát triển năng lượng sắp tới đây như PDP VIII hay các chính sách hỗ trợ nguồn năng lượng tái tạo.
Nguyễn Quỳnh/VOV