Theo dõi trên

Nặng tình quê hương

28/09/2018, 08:46

BT- Cơn bão đi qua, mưa vẫn rả rích, nhưng giáo sư Michel Hồ Tá Khanh quyết định lên Đông Giang (Hàm Thuận Bắc) để xem lại công trình mà trước đây ông đã nghiên cứu giúp Bình Thuận lắp đặt để nâng công suất hồ thủy lợi  Saloun lên 30%.

Đập “cầu chì” chỉ có ở Bình Thuận

Từ trung tâm xã Đông Giang, đường vào hồ Saloun dài gần 3 km lầy lội, chật hẹp ngày trước, bây giờ đã  là đường bê tông rộng rãi. Trên đường vào hồ, chúng tôi bắt gặp những gương mặt tươi vui, phấn khởi của bà con đang dựng xe máy bên đường bê tông để xuống ruộng làm cỏ lúa; có người giơ tay vẫy chào đoàn chúng tôi làm ông Michel cảm thấy phấn khích. Đến hồ, vừa bước xuống ô tô ông Michel liền đi nhanh tới đập tràn quan sát những cục bê tông “cầu chì” rồi mỉm cười. Thấy giáo sư vui, tôi cũng vui lây. Giáo sư Michel Hồ Tá Khanh chia sẻ: “10 năm trước tôi trở về thăm quê Phan Thiết, được các kỹ sư ngành nông nghiệp - phát triển nông thôn dẫn xem công trình hồ Saloun xây dựng từ năm 2000. Hồ quá nhỏ, chỉ chứa khoảng 900.000 m3 nước, nên mùa nắng nước rặc trơ cả đáy. Tôi gợi ý nên ứng dụng giải pháp kỹ thuật mới tại đập tràn xả lũ bằng cách đặt các cục bê tông “cầu chì” để nâng dung tích hồ. Các nút bê tông “cầu chì” đơn giản chỉ là các khối bê tông nặng chừng 1,7 tấn đến 2 tấn đặt cạnh nhau trên ngưỡng tràn; khi mực nước trong hồ đạt đến đỉnh cao hơn tràn 0,8 m thì các cục bê tông “cầu chì” sẽ nghiêng và lật tùy theo mực nước. Vì thế nước trong hồ luôn giữ mức ổn định khoảng 1,3 triệu m3, bảo đảm an toàn cho đập chính được xây dựng bằng đất…”.

                
Nước hồ tràn qua các nút “cầu chì”.

Câu chuyện ứng dụng kỹ thuật nâng công suất hồ đập của giáo sư, chuyên gia thủy điện, thủy lợi người Pháp gốc Việt Michel Hồ Tá Khanh từ 10 năm trước, bây giờ vẫn còn mới toanh. Bởi lẽ, năm 2008 công trình lắp đặt các khối bê tông “cầu chì” chỉ trong vòng 60 ngày với kinh khí xây dựng khoảng 20.000 USD. Sau khi hoàn thành mực nước trong hồ tăng lên, nhưng lúc đó chưa có hệ thống kênh mương kiên cố, nguồn nước trong hồ chỉ tưới cho 190 ha lúa, bắp nằm sát đập đầu mối, còn lại nước dư thải hết ra suối. Cuối năm 2016, bằng dự án phát triển nông thôn miền Trung, Nhà nước đã đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi ở Đông Giang. Các hạng hạ tầng của hồ Saloun được tiếp tục triển khai như: Bê tông hóa mặt đập dài 375 m; sửa chữa nhà quản lý; xây dựng đường bê tông dài 2,7 km qua cánh đồng Saloun; xây dựng tuyến kênh mương dài 14 km… Dự án đã cơ bản hoàn thành vào trung tuần tháng 9/2018.  Nước trong lòng hồ Saloun bắt đầu khai thác có hiệu quả để tưới cho 421 ha lúa, bắp, cao su của đồng bào dân tộc thiểu số xã Đông Giang.

 “Nợ” tình quê hương

Kỹ sư Mai Chí – người gắn bó nhiều năm với ngành thủy lợi Bình Thuận hôm nay cùng tháp tùng giáo sư, lên tận công trình. Anh Chí thông thạo tiếng Pháp nên cuộc trò chuyện giữa anh và giáo sư khá sôi nổi suốt chặng đường đến hồ. Ngừng nói tiếng Pháp một lát, anh bộc bạch với tôi: “Lúc đó, tức là năm 2008 nước tưới cho vùng này khan hiếm nên việc ứng dụng giải pháp kỹ thuật nâng cao mực nước trong hồ Saloun được đưa ra quá đột xuất. Sau khi đi khảo sát trở về ngồi trao đổi tại phòng họp UBND huyện Hàm Thuận Bắc, giáo sư Michel Hồ Tá Khanh tuyên bố: “Tôi ủng hộ 5.000 EURO để trả tiền nhân công, vật liệu”. Thế là công trình được khởi công ngay. Qua 10 năm sử dụng, chưa năm nào nước trong hồ lớn hơn mặt tràn 0,8 m, nên các cục bê tông “cầu chì” chưa nghiêng và sập. Có thể thấy, đây là giải pháp kỹ thuật nâng công suất hồ có hiệu quả dễ làm, giá chỉ bằng 15% so với nâng cao đập chính…”.

                
Giáo sư Michel Hồ Tá Khanh.

Sau khi xem công trình ứng dụng kỹ thuật lắp đặt 30 khối bê tông “cầu chì” nâng cao đập tràn dài 18 m của hồ Saloun, giáo sư Michel Hồ Tá Khanh cùng các kỹ sư đã ra tận cánh đồng Saloun để quan sát hệ thống kênh mương dẫn nước tưới cho hơn 421 ha ruộng. Có thửa trồng lúa của bà K’ Loan nằm trên cao như “ruộng bậc thang”, vậy mà nước vẫn tới. Bà K’ Loan - người phụ nữ dân tộc K’ ho có nước da ngăm, đôi mắt tròn và sáng cho hay: “Bây giờ có nước mới trồng lúa, chứ trước kia ruộng này bà con chỉ trồng một vụ bắp thôi, có năm mưa ít bắp cũng cháy khô hết...”. 

Nhìn thấy bà con sử dụng nguồn nước mát hồ Saloun, ông Michel Hồ Tá Khanh phấn khởi vô cùng, vì công trình ứng dụng kỹ thuật đến bây giờ mới thấy hết giá trị của nó. Tại buổi trao đổi chuyên đề về kỹ thuật và ý nghĩa đập “cầu chì” hồ Saloun với 50 cán bộ, kỹ sư của Câu lạc bộ trí thức tỉnh Bình Thuận sáng 14/9/2018, giáo sư Michel Hồ Tá Khanh khuyến khích các kỹ sư Việt Nam trong điều kiện kinh tế, vốn còn khó khăn nên ứng dụng giải pháp kỹ thuật này cho các hồ thủy lợi, hồ cấp nước sinh hoạt có quy mô nhỏ để tăng nguồn nước dự trữ cho mùa khô hạn.

Giáo sư Michel Hồ Tá Khanh (Quốc) là cháu nội của cụ Hồ Tá Bang, một trong những người sáng lập Công ty Liên Thành (một tổ chức do các sĩ phu yêu nước ở Bình Thuận sáng lập vào năm 1906). Lúc lên 5 tuổi, ông rời quê hương theo cha sang Pháp lập nghiệp. Hơn 60 năm xa quê, ông đã từng đại diện cho Hội đập cao của Cộng hòa Pháp tư vấn công trình thủy điện, thủy lợi cho hơn 40 quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều công trình ở Việt Nam. Đặc biệt, ông luôn dõi theo những đổi thay của quê hương, những công trình thủy lợi của Bình Thuận. Ông Michel Hồ Tá Khanh đã nhiều lần trở về thăm quê hương mong góp một phần nhỏ công sức, trí tuệ của mình vào lĩnh vực thủy điện, thủy lợi. Giải pháp ứng dụng kỹ thuật đập “cầu chì” nâng công suất hồ Saloun là một minh chứng cụ thể. Và theo giáo sư Michel Hồ Tá Khanh thì việc ứng dụng kỹ thuật đập “cầu chì” chỉ có ở Bình Thuận.

Ghi chép: Lê Thanh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nặng tình quê hương