Đến thời điểm này tại khu vực dinh Thầy Thím, công tác chuẩn bị được các thành viên ban quản lý và các chi hội chia nhau phụ trách thực hiện công đoạn cuối cùng để sẵn sàng chào đón du khách về tham gia lễ hội. Con đường dẫn khách hành hương đến dinh Thầy Thím được trang trí băng rôn, khẩu hiệu, cờ dây được giăng treo dọc các tuyến đường dẫn vào khu di tích, đường vào khu vực mộ Thầy Thím... phục vụ cho công tác quảng bá lễ hội cũng như đang chào đón du khách đến với Lễ hội Văn hóa - Du lịch dinh Thầy Thím (Lễ hội Dinh Thầy Thím) năm 2024.
Ông Nguyễn Văn Hai – Trưởng ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa dinh Thầy Thím chia sẻ, trước lễ hội 10 ngày, công tác chuẩn bị cho lễ hội đã sẵn sàng, ban quản lý đã phối hợp các đơn vị hoàn tất các nội dung chuẩn bị cho lễ hội như: Chương trình Lễ nghinh thần, rước sắc phong và bằng công nhận di tích theo lộ trình đi bộ từ dinh qua Mộ Thầy Thím; các hoạt động như: Mô hình mô phỏng về dinh Thầy Thím, hội thi kéo co, hội thi làm bánh, các trò chơi dân gian (Thi đua thu hoạch thanh long, bịt mắt bắt vịt, bịt mắt đập niêu…); bố trí khu vực ăn uống cho du khách, không để du khách uống rượu, bia và ăn uống trong vòng thành dinh; các hoạt động trang trí sân khấu khai mạc lễ hội, trưng bày sự tích Thầy Thím, hướng dẫn khách tham quan Phòng Truyền thống di tích, giới thiệu quảng bá di tích bằng video cũng được hoàn thành... Ngoài ra, Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa dinh Thầy Thím đã chuẩn bị hệ thống loa truyền thanh ở trong và ngoài khuôn viên khu vực dinh. Sửa sang, làm vệ sinh khu vực sân khấu, cắt cỏ 2 bên lề đường từ cổng sắt của dinh đến cổng chính điện, phân công thêm lực lượng làm vệ sinh để thu gom rác khu vực dinh và Mộ Thầy Thím...
Lễ hội Văn hóa - Du lịch dinh Thầy Thím không đơn thuần là lễ hội văn hóa dân gian truyền thống, mà còn mang ý nghĩa lịch sử văn hóa, khắc ghi công đức của các bậc tiền nhân, thu hút hàng ngàn khách thập phương đến viếng Thầy Thím và tham gia các hoạt động của lễ hội. Đây là một trong những lễ hội văn hóa tiêu biểu được tỉnh Bình Thuận chọn bảo tồn, phát triển để phục vụ du lịch ở địa phương.
Theo truyền thuyết: Ngày xưa, ở tỉnh Quảng Nam có một đạo sĩ giàu lòng nhân ái, võ thuật hơn người, thường có nghĩa cử cao đẹp rất được dân làng mến mộ. Vì bị nhà vua xét xử oan ức, nên đạo sĩ cùng vợ phiêu dạt vào phương Nam lánh nạn. Tam Tân, một làng quê xa xôi và trù phú trở thành nơi dừng chân cuối cùng của vợ chồng đạo sĩ. Và cũng từ đây những truyền thuyết, đức độ của vợ chồng đạo sĩ được hết lòng ca ngợi, dân làng Tam Tân thân thiết gọi vợ chồng đạo sĩ là Thầy - Thím. Sự tích Thầy - Thím là một truyền thuyết dân gian được lưu truyền qua nhiều thế hệ, nội dung mang nhiều yếu tố tích cực và có giá trị giáo dục. Sự tích còn đề cao tính nhân nghĩa, đạo đức, nhân cách cao cả qua nhân vật Thầy - Thím. Sau những câu chuyện thần thoại ấy, ta có thể cảm nhận được ý nghĩa và giá trị đích thực, nhằm đề cao lẽ phải, đạo lý, sự công bằng và chuẩn mực của xã hội, góp phần giáo dục truyền thống, nhân cách và lối sống tốt đẹp cho mọi thế hệ...
Khi đến tham quan quần thể thắng tích dinh Thầy - Thím, ngoài tham gia các hoạt động của lễ hội, du khách có thể ghé tham quan các danh lam thắng cảnh nổi tiếng của thị xã La Gi như ngảnh Tam Tân, Dốc Ông Bằng, biển Cam Bình, khám phá và thưởng thức hương vị miền biển. Sự kết hợp hài hòa giữa du lịch biển, du lịch tâm linh và du lịch văn hóa, Lễ hội Dinh Thầy Thím năm 2024 sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm mang đậm nét văn hóa miền biển.