Tàu giã cào bay. Ảnh: Đ.Hòa |
Phức tạp và manh động
Tại tỉnh ta hiện có 84 đôi thuyền được cấp phép hành nghề giã cào bay (Hòa Phú (Tuy Phong): 26 đôi, Phú Hài (Phan Thiết): 11 đôi và La Gi: 47 đôi. Bên cạnh đó, một số thuyền dù không được cấp phép nhưng vẫn lén lút hành nghề và còn nhiều trường hợp từ các địa phương khác đến hoạt động giã cào bay trên vùng biển của tỉnh. Theo đánh giá, các hành vi vi phạm về hoạt động giã cào bay ngày càng tinh vi hơn. Đặc biệt một số đối tượng vi phạm có hành vi manh động, chống đối, gây nguy hiểm cho người thi hành công vụ. Điển hình vụ việc xảy ra vào ngày 5/4. Trong lúc tuần tra, kiểm soát, tổ công tác của Trạm Quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Tuy Phong đã phát hiện 1 cặp giã cào của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (số đăng ký BV – 90578 TS và 1 tàu không rõ số) đang khai thác sai tuyến. Khi tổ tuần tra phát hiệu lệnh yêu cầu tàu BV 90578TS dừng lại để kiểm tra, thuyền trưởng tàu này không những không chấp hành mà còn hô hào các thuyền viên dùng dây neo quăng, đập chống trả quyết liệt nhằm cản trở không cho lực lượng chức năng lên tàu để kéo giã trốn chạy.
Từ đầu năm 2018 đến nay, tuy chưa bước vào mùa vụ chính, nhưng hoạt động giã cào bay vi phạm tuyến bờ và tuyến lộng khá phức tạp, đánh bắt trong vùng khai thác của tàu thuyền công suất nhỏ, làm nghề truyền thống như lưới rê, lưới cước, mành chà,... gây bức xúc và phản ứng gay gắt trong ngư dân, nhất là trên địa bàn huyện Tuy Phong. Theo Chi cục Thủy sản, từ ngày 1/1 đến 12/4, lực lượng chức năng của chi cục đã phát hiện, xử lý 10 vụ vi phạm hành nghề giã cào bay trái phép, đánh bắt sai tuyến.
Thời gian qua, mặc dù các lực lượng chức năng như kiểm ngư, bộ đội biên phòng, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển đã có nhiều nỗ lực triển khai nhiều biện pháp, nhưng công tác quản lý, ngăn chặn, xử lý, giảm thiểu hoạt động giã cào bay trái phép chưa thật sự hiệu quả, chưa đạt yêu cầu như mong muốn. Được biết, hiện nay đang là thời điểm cấm nghề hoạt động giã cào (từ 1/4 đến 31/7), nhưng theo đánh giá, nhận định từ lực lượng chức năng thì hoạt động giã cào bay trái phép trên vùng biển của tỉnh sắp tới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong mùa cá áp lộng, nhất là vụ cá nam. Đặc biệt các thuyền giã cào bay công suất lớn ngoài tỉnh như Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang,... đang gia tăng hoạt động sẽ làm phức tạp thêm tình hình.
Để ngăn chặn hiệu quả
Nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu ngăn chặn, xử lý kịp thời, hiệu quả thuyền nghề giã cào bay hoạt động trái phép, bảo vệ tốt ngư trường, nguồn lợi, bảo đảm an ninh trật tự và hoạt động đánh bắt trên biển, mới đây Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành phương án “Tăng cường quản lý, ngăn chặn, xử lý thuyền nghề giã cào bay hoạt động trái phép trên vùng biển tỉnh Bình Thuận”. Theo đó, cần huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và ngư dân, đồng thời thực hiện xử lý kiên quyết, đồng bộ các biện pháp để ngăn chặn hoạt động giã cào bay trái phép. Nâng cao trách nhiệm của các ngành chức năng, các cấp chính quyền địa phương vùng biển, đồng thời phát huy vai trò các tổ chức đoàn thể, tổ chức đại diện ngư dân (hội, vạn, chi hội nghề cá), tổ đội khai thác thủy sản trong việc vận động, tuyên truyền và cộng đồng trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng. Mục tiêu cụ thể của phương án đặt ra là trong năm 2018, quản lý chặt thuyền nghề giã cào bay trong tỉnh, chấm dứt tình trạng thuyền nghề giã cào bay hoạt động không có giấy phép. Không cấp phép đóng mới tàu cá làm nghề lưới kéo (đơn, đôi).
Quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc cấp giấy phép khai thác, thực hiện nghiêm quy định không cấp mới giấy phép khai thác nghề lưới kéo (gồm giã cào bay), không cho phép tàu cá đang hoạt động các nghề khác chuyển sang nghề lưới kéo dưới mọi hình thức. Đảm bảo 100% thuyền nghề giã cào (đã được cấp phép) tuân thủ đúng quy định mùa vụ cấm khai thác. Phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm thuyền giã cào bay trong và ngoài tỉnh hoạt động trái phép trên vùng biển Bình Thuận. Nắm chắc tình hình, xử lý kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp trong sản xuất trên biển, không để xảy ra điểm nóng, gây mất trật tự trị an địa bàn vùng biển. Xây dựng, ban hành các đề án, chính sách thực hiện tái cơ cấu hoạt động khai thác hải sản gắn với vận động, tuyên truyền thực hiện chuyển đổi tàu cá làm nghề giã cào sang các nghề khai thác khác, phù hợp quy định bảo vệ nguồn lợi thủy sản...
Đình NhưỢng