Tuyên truyền cho học sinh về phòng chống xâm hại tình dục trẻ em. |
Nguyên tắc chạy đi, la to và kể lại
Khi nào thì các em thấy an toàn và không an toàn? Bộ phận nào gọi là bộ phận riêng tư? Khi gặp người lạ và bị dụ dỗ thì xử lý thế nào?... Đây là những câu hỏi mà cô Trần Thị Ngọc Anh – thạc sĩ tâm lý, giảng viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Bình Thuận nêu ra đối với hơn 1.400 học sinh Trường tiểu học Phú Tài (TP. Phan Thiết). Với lối dẫn cụ thể, kèm hình ảnh sinh động, học sinh nhập cuộc rất nhanh và hào hứng với chương trình, từ đó giúp các em nhớ kỹ hơn và nhanh hơn.
Cô Ngọc Anh thông tin: Ở Việt Nam, cứ 8 giờ trôi qua có 1 trẻ bị xâm hại. Tuổi trung bình bị xâm hại là 9 tuổi. Cứ 4 bé gái có 1 bé bị xâm hại và 6 bé trai có 1 bé bị xâm hại. Trẻ em có thể gặp phải nguy cơ bị xâm hại tình dục ở bất cứ đâu, trên sân chơi, ở trường học hay ở trong chính ngôi nhà của mình. Hành vi của những kẻ xâm hại có thể ảnh hưởng đến suốt cuộc đời đứa trẻ thậm chí làm các em bị rối loạn tâm thần, rối loạn hành vi. Vì thế cha mẹ, cũng như thầy cô phải dạy cho trẻ giữ khoảng cách đối với người khác giới. Cho con mặc đồ lót từ sớm, không mặc đồ quá hở. Khi con lên 3 tuổi thì dặn kỹ khu vực đồ lót trên cơ thể và không cho ai được động vào. Đặc biệt phải luôn nhớ nguyên tắc “chạy đi, la to và kể lại”, khi trẻ gặp những đối tượng có hành vi sàm sỡ trên cơ thể hay vùng đồ lót của mình.
Tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức
Cô Nguyễn Thị Kim Loan – Phóhiệu trưởng Trường tiểu học Phú Tài cho biết: Trường Phú Tài có số học sinh đông nhất trên địa bàn TP. Phan Thiết. Đa số là con em gia đình làm nghề biển, buôn bán nhỏ, cha mẹ phải bươn chải với cuộc sống hàng ngày nên ít có điều kiện chăm sóc, giáo dục, nhắc nhở con mà thường phó mặc cho thầy cô, trường học. Trước vấn nạn xâm hại tình dục và bạo lực học đường đang gia tăng hiện nay, không chỉ thông qua các bài giảng, mà trong những năm qua nhà trường đã có nhiều hình thức để giáo dục các em biết những kỹ năng cơ bản phòng, chống và tự bảo vệ mình khi ở trường, từ trường về nhà và ở những nơi công cộng khác. Nhà trường cũng luôn nhắc nhở các em đừng im lặng, hãy lên tiếng để đối phó với các tình huống xấu có thể xảy ra, hướng đến xây dựng môi trường sống và học đường an toàn, thân thiện.
Sau khi tham gia chương trình em Nguyễn Ngọc Bảo Quyên – lớp 5D chia sẻ: Qua chương trình ngoại khóa con ghi nhớ về bài học: Không đi chơi một mình nơi vắng vẻ, xa cha mẹ; không được nhận quà của người lạ trong bất cứ trường hợp nào và tuyệt đối không cho người lạ động chạm các vùng riêng tư trên cơ thể.
Mặc dù đứng chờ con hơn 1 tiếng đồng hồ ngoài cổng trường, nhưng chị Nguyễn Thị Thu Ly – khu phố 6, phường Phú Tài không cảm thấy mệt mỏi. Ngược lại chị mong muốn các trường học nên tổ chức nhiều chương trình ngoại khóa về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em và bạo lực học đường để giúp học sinh nhận diện những thủ đoạn của đối tượng có ý muốn xâm hại, biết các động tác tự vệ, thoát thân và xây dựng tình bạn đẹp khi đang ngồi trên ghế nhà trường.
Cô Trần Thị Ngọc Anh cũng nhận thấy rằng, người lớn và trẻ em luôn có một khoảng cách, vì thế phải chọn cách nói chuyện để trẻ cảm thấy gần gũi, dễ tiếp thu, dễ nhớ nhất. Việc giáo dục các kỹ năng sống này không chỉ làm một lần mà phải được thực hiện thường xuyên, liên tục để các em biết cách xử lý nếu như gặp phải. Hiệu quả nhất là tuyên truyền ở các nhóm nhỏ, ít người. Sắp tới Trường Cao đẳng cộng đồng Bình Thuận sẽ tổ chức những lớp tập huấn cho giáo viên ở các trường để họ về tuyên truyền, phổ biến lại cho học sinh.
Thùy Linh