Với khối lượng công việc ngày càng nhiều, biên chế không tăng nhưng ngành Tư pháp đã hoàn thành tốt công tác chuyên môn năm 2024. Cụ thể, trong xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) đã tham mưu nhiều văn bản QPPL cho UBND tỉnh. Ngoài ra đã tham mưu Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) ban hành và triển khai kế hoạch tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật” trên địa bàn tỉnh năm 2024 với nội dung thi tìm hiểu Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2018, Luật Tiếp công dân năm 2013, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, Luật Căn cước năm 2023. Qua tổ chức thi, đã thu hút 41.713 lượt người dự thi.
Cùng với đó, hòa giải cơ sở tiếp nhận 1.325 vụ việc, đã hòa giải thành được 1.061 vụ việc, đạt tỷ lệ 81%. Đối với quản lý nhà nước về hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, đến nay Sở Tư pháp Bình Thuận đã hoàn thành xong dữ liệu số hóa sổ hộ tịch tại địa phương với dữ liệu đã số hóa hơn 1,3 triệu trường hợp. Hiện có 8/10 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh thực hiện chứng thực hợp đồng, giao dịch. Trong năm 2024, toàn tỉnh đã chứng thực 361.738 trường hợp, trong đó cấp huyện chứng thực 16.032 trường hợp, cấp xã chứng thực 345.706 trường hợp.
Trong trợ giúp pháp lý (TGPL) đã tổ chức nhiều hội nghị, chương trình, tọa đàm thu hút nhiều người tham gia. Trong đó thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh trực thuộc sở đã phối hợp với huyện Phú Quý tổ chức 3 buổi truyền thông về TGPL tại 3 xã Tam Thanh, Ngũ Phụng, Long Hải cho hơn 240 lượt người tham gia và cấp phát miễn phí các tờ rơi, tờ gấp pháp luật cho người dân. Ngoài ra, Trung tâm thụ lý 205 vụ việc gồm tham gia tố tụng 203 vụ việc, tư vấn 2 trường hợp. Lĩnh vực giám định tư pháp, thực hiện 2.737 vụ việc, tăng 111 vụ việc so với cùng kỳ trước. Trong đó, cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu thực hiện 2.688 vụ việc gồm pháp y 1.401 vụ việc, kỹ thuật hình sự 1.222 vụ việc, lĩnh vực tài chính 3 vụ và lĩnh vực khác 62 vụ việc. Còn lại là theo yêu cầu của người yêu cầu giám định và của tổ chức cá nhân khác.
Tại hội nghị tổng kết ngành Tư pháp năm 2024 mới đây, bà Phạm Thị Minh Hiếu - Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, là một trong những ngành có khối lượng công việc lớn, nhưng nhân lực mỏng. Tuy vậy, toàn ngành vượt qua khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Giám đốc Sở Tư pháp cũng mong UBND các cấp quan tâm bố trí công chức cho các phòng tư pháp và tư pháp các xã, thị trấn. Đồng thời đề nghị các địa phương tiếp tục làm tốt công tác tư pháp năm 2025, trọng tâm là 9 nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ; xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; đẩy mạnh PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng và thực hiện tốt công tác truyền thông theo kế hoạch của sở. Tăng cường công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Tiến hành theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành theo kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Tư pháp. Phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương giải quyết các vụ việc cụ thể theo chỉ đạo của UBND tỉnh...