Một số bạn đọc đã nêu câu hỏi: Bao nhiêu thí sinh thì đủ thành lập điểm thi? Nếu phụ thuộc vào số lượng thí sinh thì kỳ thi có chắc chắn tổ chức tại Bình Thuận không?
Sau khi xem xét nhiều yếu tố, Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh vừa ban hành công văn số 27/KT&ĐG-KT ngày 8/2/2022, khẳng định Bình Thuận là một trong những địa điểm tổ chức đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022, diễn ra vào sáng chủ nhật 27/3/2022, bất kể số lượng thí sinh đăng ký dự thi.
Điểm thi Bình Thuận sẽ tiếp nhận thí sinh của toàn tỉnh và có thể tiếp nhận một số thí sinh các tỉnh lân cận. Như vậy, so với các năm trước, thí sinh Bình Thuận không phải lo lắng nhiều về chuyện đi lại, ăn ở khi tham gia kỳ thi đánh giá năng lực năm nay.
Những cơ sở giáo dục đại học nào sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực?
Dĩ nhiên, 10 đơn vị thành viên của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (bao gồm cả phân hiệu tại Bến Tre và Trường ĐH An Giang) đều dành chỉ tiêu để xét tuyển đại học bằng kết quả thi đánh giá năng lực. Ngoài ra, có 67 trường đại học khác (ngoài Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) và 5 trường cao đẳng cũng sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực để xét tuyển.
Số liệu trên chỉ tính các đơn vị đã chính thức gửi công văn cho Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Nếu tính cả các đơn vị chủ động sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực để xét tuyển đại học, cao đẳng thì số cơ sở giáo dục đại học sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực còn nhiều hơn.
Đặc biệt, các cơ sở giáo dục đại học mà thí sinh Bình Thuận đăng ký xét tuyển nhiều nhất trong năm 2021 đều sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực. Đó là: 10 đơn vị thành viên của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Phan Thiết, Trường ĐH Tài chính – Marketing và Trường ĐH Tôn ĐứcThắng.
Để biết một số cơ sở giáo dục đại học có hay không sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức, bạn đọc chỉ cần xem thông báo tuyển sinh năm 2022 đăng trên website của cơ sở giáo dục đại học đó.
Bạn có biết kết quả kỳ thi đánh giá năng lực và điểm chuẩn năm 2021?
Đề thi đánh giá năng lực có 120 câu trắc nghiệm khách quan, chia thành 3 phần:
- Phần 1: 40 câu về sử dụng ngôn ngữ (20 câu tiếng Việt, 20 câu tiếng Anh).
- Phần 2: 30 câu về toán học, tư duy lôgic và phân tích số liệu.
- Phần 3: 50 câu về giải quyết vấn đề liên quan đến khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.
Tùy theo độ khó và độ phân cách (discrimination index), điểm dành cho mỗi câu hỏi sẽ có trọng số (weight) khác nhau. Điểm tối đa của bài thi đánh giá năng lực là 1.200 điểm, trong đó điểm tối đa của mỗi phần theo thứ tự là 400 điểm, 300 điểm và 500 điểm.
Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2021 có 68.400 thí sinh của 58 tỉnh, thành phố dự thi. Điểm trung bình của 68.400 bài thi là 688 điểm. Điểm bài thi thấp nhất và cao nhất lần lượt là 164 điểm và 1.103 điểm. Có 41.638 bài thi (60,87 %) trên 600 điểm và 2.776 bài thi (4,06 %) trên 900 điểm.
Cũng trong năm 2021, điểm trúng tuyển vào 10 đơn vị thành viên của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh dựa vào kỳ thi đánh giá năng lực dao động từ 600 điểm (tất cả các ngành của Trường ĐH An Giang) đến 979 điểm (ngành Răng hàm mặt chất lượng cao của Khoa Y).
Nếu muốn tham khảo đề thi minh hoạ năm 2022, bạn đọc hãy truy cập địa chỉ http://cete.vnuhcm.edu.vn/images/upload/kHAOTHI/Nam-2022/De-thi-mau-DHQG-HCM-2022.pdf.