Sau khi soạn đồ nghề để trên bờ, anh Nguyễn Sủn - một thợ lặn ăn vội hộp cơm để lấy sức cho nhiều giờ lặn biển bắt tôm hùm giống. Theo anh Sủn, đây là loại thủy sản chỉ nhỏ bằng đầu đũa và sống theo các khe, hốc đá ở độ sâu khoảng 3m.
Thợ lặn bắt đầu xuống biển
18 giờ, anh Sủn mặc đồ lặn, đeo đai chì quanh bụng, cầm theo đầy đủ dụng cụ như mặt nạ lặn, đèn pin chống nước, chai nhựa để đựng tôm. Độc đáo nhất là chiếc máy bơm oxy được gắn lên xe máy và dây truyền động cho máy này nối vào bộ phận truyền động của xe máy. Sau khi cho nổ máy xe, máy bơm oxy hoạt động, người thợ lặn ngậm ống hơi xuống biển và dần mất hút sau những cơn sóng. Để an toàn, anh Sủn còn chuẩn bị một can nhựa cột vào ống dẫn khí để phòng tình huống xe hết xăng, máy nổ hết bơm oxy thì ngoi lên ôm can nhựa bơi vào bờ. Biển đen kịt, chỉ còn nghe tiếng sóng vỗ giữa màn đêm yên tĩnh.
Máy bơm oxy gắn vào xe máy
Dưới biển, người thợ lặn ngậm ống hơi, tay rọi đèn, mắt dán vào các vách đá để tìm tôm hùm giống. Khi thấy tôm núp trong các kẽ đá, người thợ lặn dùng que sắt nhỏ chọc vào, con tôm thấy động và bung ra thì thợ lặn phải nhanh tay chộp lấy, cho vào chai nhựa.
Tôm hùm giống
Anh Sủn cho biết: “Tùy theo bữa, có lúc bắt được vài chục con tôm hùm giống, có lúc mười con, trong đó con tôm hùm sao là mắc tiền nhất với giá tầm 120.000 đồng, còn tôm xanh từ 30.000 – 40.000 đồng/con”. Nếu mỗi ngày lặn, bắt được vài chục con tôm hùm giống thì ngư dân cũng có tiền triệu bỏ túi.
Mặc dù có thâm niên hơn 10 năm làm nghề lặn bắt tôm hùm giống nhưng người đàn ông này cho rằng đây là một nghề vất vả, bởi không phải ai cũng làm được, mắt phải tinh vì con tôm hùm nhỏ và trắng trong nên khó phát hiện. Do tôm hùm có đặc tính bám vào các rạn đá nên trong quá trình lặn, người lặn dễ bị sóng hất va vào đá ngầm gây chấn thương hay bị hàu cắt làm chảy máu, cũng có khi ống khí bị vướng vào đá làm hụt hơi và chưa kể những tai biến có thể xảy ra khi lặn hàng giờ dưới biển.
Duy Tuấn