Cả nước hiện có 1,6 triệu giáo viên và còn thiếu 100.000 giáo viên. Một con số không vui một chút nào, đó là chưa kể đến ngành y tế và các ngành từ các cơ quan nhà nước. Tình trạng nghỉ việc đã và đang diễn ra rất đáng lo ngại. Hiện tượng này không chỉ xảy ra ở cấp xã, phường mà lên cả bộ ngành, cục vụ Trung ương. Ngay cả Bộ Tài chính là bộ mà nhiều sinh viên tốt nghiệp loại giỏi mơ ước cũng đang xảy ra.
Dù chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng thời gian gần đây ngành y tế là một trong những ngành có tình trạng nghỉ việc, bỏ việc rất nhiều, đặc biệt sau 2 năm phòng, chống dịch Covid-19. Mà đội ngũ bác sĩ của nước ta hiện nay có tay nghề không thua kém các nước tiên tiến trên thế giới. Như mổ tách song sinh dính ngực, thay tim, thay phổi thành công khi có người chết não hiến tạng. Có nhiều ca mổ khó ở cấp tỉnh cũng giải quyết được mà không cần phải chuyển lên bệnh viện ở tuyến trên. Họ là bàn tay vàng, là tài sản quý của đất nước, được Đảng, Nhà nước và nhân dân trân trọng biết ơn. Nhưng trước áp lực công việc và nhất là mức hưởng thụ qua lương quá thấp. Nhiều người đã phải đi tìm môi trường làm việc mới có thu nhập tốt hơn và ít áp lực hơn. Không chỉ có hai ngành giáo dục và y tế có tình trạng bỏ việc nhiều, mà các sở ngành khác, ở các tỉnh, thành cũng có tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc rất đáng lo ngại, nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh. Rõ ràng hiện tượng này đã ảnh hưởng rất nhiều không chỉ đến chất lượng đội ngũ cán bộ, mà cả chất lượng dịch vụ công dành cho chính quyền các cấp, các doanh nghiệp và đông đảo nhân dân. Đáng lo ngại nhất, những cán bộ có năng lực thường có khả năng nghỉ việc cao hơn để tìm kiếm các cơ hội việc làm với thu nhập tốt hơn. Vì những người có năng lực thường có nhiều cơ hội việc làm hơn, hoặc cơ hội việc làm tốt hơn. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng tiền lương và chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng được coi là một trong những nguyên nhân chính của tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của viên chức, công chức hiện nay. Vì mức chi trả cuộc sống, nhất là ở các thành phố lớn rất cao, tạo ra áp lực mưu sinh với công chức, viên chức, nhất là cán bộ trẻ. Tuy nhiên, ngoài lương và chế độ đãi ngộ, cũng cần phải xem xét các nguyên nhân khác, đó là môi trường làm việc. Ở không ít cơ quan, môi trường làm việc không khuyến khích được cán bộ, thậm chí gây ra tâm lý chán nản, mất động lực phấn đấu. Những cán bộ có thực tài bị cô lập, trong khi không phải cán bộ lãnh đạo, quản lý nào cũng là người có tâm, có tầm và có tài. Ai cũng biết hiện tượng này đã xảy ra âm ỉ từ lâu. Nhưng do chưa có biện pháp được khắc phục triệt để. Trong bối cảnh đó chúng ta càng trân trọng với những y, bác sĩ đang ngày đêm vượt qua áp lực cơm áo, gạo tiền để trị bệnh cứu người.
Vấn đề là đã rõ nhưng cần được phân tích thấu đáo nguyên nhân để đưa ra giải pháp phù hợp. Có thực mới vực được đạo. đầu tiên phải là chế độ tiền lương, mức đãi ngộ và môi trường làm việc. Vì mức lương như hiện tại là quá thấp, không thu hút và giữ chân được người tài. Mà tình trạng này vốn đã tồn tại trong rất nhiều năm qua.