BT- Sau khi nghĩa trang dốc Lầu Ông Hoàng được đóng cửa vào những năm 90, nghĩa trang Phan Thiết tại phường Phú Hài được tỉnh mở ra để cho người dân Phan Thiết có nơi chôn cất người quá cố. Qua nhiều đợt giao đất, hiện nay diện tích nghĩa trang Phan Thiết đã tăng lên gần 100 ha. Khu đất mà trước đây được quy hoạch cho nghĩa trang này còn là khu đất nông nghiệp bạc màu, hoang vắng, năng suất thấp, hiệu quả sử dụng không cao. Sau hơn 20 năm chuyển đổi sang đất nghĩa trang, hiện nay khu vực này đang ở vị trí đắc địa, vì hầu hết đất nông nghiệp bạc màu trước đây của phường Phú Hài đã được chuyển đổi thành đất kinh doanh du lịch, khu dân cư mới... Hiện tại các dự án đất du lịch và khu dân cư mới đã áp sát ranh giới với nghĩa trang Phan Thiết. Giá cả đất nông nghiệp tại khu vực này cũng từ đó mà tăng lên không ngừng.
Hiện tại đất nghĩa trang Phan Thiết đã hết, UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 37/QĐ-UBND, ngày 7/1/2015 thu hồi và giao đất đợt 1 với diện tích là 160.187,8 m2 “đất trồng cây lâu năm do UBND phường Phú Hài quản lý” để mở rộng nghĩa trang Phan Thiết về hướng đông bắc. Mặc dù được tỉnh quan tâm đúng mức nhưng việc sử dụng khu đất nghĩa trang Phan Thiết có thật sự hiệu quả hay không?
“Nậu vựa” đất nghĩa trang
Thật vậy, sau khi nghĩa trang Phan Thiết được thành lập và đi vào hoạt động, do sự quản lý yếu kém của Ban quản lý nghĩa trang, đã vô tình hoặc cố ý tạo điều kiện cho các “đầu nậu” đất thổ mộ (đa số là các nhà thầu xây mộ, các cơ sở dịch vụ mai táng và những hộ dân Phan Thiết giàu có) mua lại hầu hết đất thổ mộ của nghĩa trang rồi chia thành lô (mỗi lô có diện tích tối thiểu 100 m2 và xây vòng thành kiên cố xung quanh “để dành” hoặc đầu cơ đất chờ lên giá bán lại cho người có nhu cầu để thu lợi! Có lô đất rất rộng nhưng chỉ có 1 - 2 ngôi mộ, có lô chưa có mộ nào; có chủ đất còn cảnh giác cao hơn đã xây nhiều “mộ gió” (mộ giả) để qua mắt Ban quản lý nghĩa trang. Một số nhà khá giả còn thi đua xây mộ phần người thân rất lớn, rất hoành tráng như nhà ở vậy, chiếm rất nhiều diện tích đất của nghĩa trang! Phải chăng đất đai của tỉnh ta còn dồi dào nên chưa ai nghĩ ra cách để tiết kiệm đất nghĩa trang?
Dù vậy, nếu ai có nhiều tiền thì muốn mua đất thổ mộ ở bất kỳ khu vực nào của nghĩa trang, hiện tại giá mặt tiền khu vực gần, đường nhựa đã được thổi giá lên khoảng 130 - 150 triệu đồng/lô/100 m2 (khi được hỏi một chủ đầu nậu ở gần nghĩa trang, họ nói còn đất bán nhưng bán chắc giá nêu trên, không bớt). Còn các lô bên trong, sâu và xa hơn, đường cát lún thì tùy thuộc vị trí mà có giá khác nhau nhưng cũng không dưới 30 - 50 triệu đồng/lô.
Nếu như không kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý đất thổ mộ ở nghĩa trang Phan Thiết nêu trên thì liệu Nhà nước phải còn giao bao nhiêu diện tích đất thổ mộ nữa để mở rộng nghĩa trang Phan Thiết?
Xem người mà ngẫm đến ta!
Tại TP. Hồ Chí Minh, đất trong các nghĩa trang cao cấp đều được quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng rất bài bản như đất thổ cư vậy. Tất cả các mộ đều có chung thiết kế, diện tích chiếm đất đều như nhau và nằm liền kề nhau, thẳng tắp như các nhà dân trong khu tập thể (khác hẳn với các nghĩa trang ở tỉnh ta là xây mộ theo kiểu tự phát, ai muốn xây theo kiểu gì cũng được, chiếm rất nhiều diện tích đất). Ở đó, ai có nhu cầu trước thì được giải quyết trước, ai có nhu cầu sau thì giải quyết sau, tuyệt đối không được giải quyết mua hoặc “đặt chỗ” trước. Có như vậy mới mong tiết kiệm được đất nghĩa trang và thực sự công bằng cho mọi người (người giàu và người nghèo đều có một mộ phần giống nhau; ai đến trước nằm trước, ai đến sau nằm sau).
Người dân Phan Thiết kiến nghị tỉnh nên tìm và quy hoạch khu đất nghĩa trang Phan Thiết ở nơi khác, xa khu dân cư và khu du lịch hơn để nhường các khu đất nông nghiệp vàng này cho việc phát triển dân cư và du lịch trong tương lai.
Phương Khánh