Theo dõi trên

Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ “tam nông”

07/06/2018, 09:01

BT- Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được địa phương và các ngành triển khai qua 10 năm. Trong đó hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ cho “tam nông” trên địa bàn Bình Thuận cũng từng bước đem lại hiệu quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

                
      
Nhiều mô hình ứng dụng khoa học công nghệ    vào sản xuất nông nghiệp đã được triển khai trên địa bàn Bình Thuận.

Ý nghĩa và thiết thực

Theo cơ quan chức năng, từ năm 2008 đến nay toàn tỉnh đã triển khai gần 40 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Bộ và cấp tỉnh, hầu hết hướng đến phục vụ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong đó nhiều đề tài hoặc chương trình khi thực hiện nghiên cứu, chuyển giao đi vào ứng dụng trong đời sống thực tế đã cho thấy ý nghĩa và mang tính thiết thực. Đặc biệt là các mô hình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như mô hình sản xuất rau trên đất cát nhằm góp phần giải quyết tình trạng thiếu rau trên huyện đảo Phú Quý. Hoặc các mô hình chăn nuôi bò, heo và gà thịt an toàn sinh học, thâm canh chuối già lùn, tưới tiết kiệm nước, thu trữ nước mưa, sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh trên nền than bùn… đã góp phần cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống cho người dân.

Thời gian qua, địa phương cũng nghiên cứu thiết kế và chế tạo thành công máy cắt mè theo nguyên lý cắt cây đứng chuyển xếp sang ngang, công suất 2 - 3 ha/ngày với cấu tạo gọn nhẹ, cơ động trên đồng ruộng. Được biết thiết bị này đã chuyển giao cho Trạm Khuyến nông huyện Bắc Bình đưa vào áp dụng, có khả năng thay thế 20 - 30 lao động/ha, từ đó góp phần làm giảm chi phí và giải quyết tình trạng thiếu lao động vào thời điểm thu hoạch mè…

Nâng giá trị sản phẩm lợi thế

Trong số các nhiệm vụ khoa học công nghệ do đơn vị chức năng phối hợp triển khai, có thể thấy thanh long - sản phẩm lợi thế của Bình Thuận rất được quan tâm đầu tư. Hiện đã thu thập được 13 giống thanh long ruột trắng Bình Thuận, 1 giống thanh long ruột đỏ bàn giao cho Trung tâm Nghiên cứu phát triển thanh long để lưu giữ, nhân rộng trong sản xuất để phục vụ từng thị trường khác nhau. Đồng thời nghiên cứu trồng lạc dại thu hút thiên địch, hạn chế sâu hại, duy trì sự cân bằng sinh thái và đa dạng sinh học trong vườn thanh long nhằm góp phần thay đổi tập quán canh tác, thay rơm phủ gốc bằng việc trồng lạc dại mà vẫn đảm bảo năng suất, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường. Song song đó còn chú trọng đầu tư nghiên cứu chế biến giúp đa dạng, tăng giá trị sản phẩm sản xuất từ trái thanh long như: Jelly thanh long, nước ép thanh long, nước ép thanh long - nha đam, thanh long sấy khô, rượu vang thanh long…

Đối với chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” cho sản phẩm thanh long trong việc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng, đăng ký bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ hiện vẫn được địa phương duy trì. Theo Sở Khoa học - Công nghệ, đến nay đã tiến hành hỗ trợ Hiệp hội Thanh long tỉnh đăng ký chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận tại các nước EU và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Bình Thuận DRAGON FRUIT, hình” sang 14 nước. Thông qua đó được cơ quan Sở hữu trí tuệ Hoa Kỳ, Anh, Hàn Quốc, Pháp, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia và Hà Lan có thông báo đồng ý bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận. Tiếp nữa là hỗ trợ hiệp hội này thực hiện Đề án “Xây dựng mô hình sử dụng tem chỉ dẫn địa lý Bình Thuận trên sản phẩm quả thanh long” với số lượng ước dán khoảng 40.000.000 tem khi lưu thông trên thị trường trong lẫn ngoài nước (Singapore, Hong Kong, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, UAE, Ấn Độ, Canada, Tây Ban Nha, Ý, Trung Quốc…).

Tới đây, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, chế phẩm sinh học trong phòng trừ dịch bệnh, nước nguồn tưới, sinh hoạt… tiếp tục được đơn vị chức năng triển khai nhằm ứng phó điều kiện biến đổi khí hậu. Mặt khác sẽ tập trung chuyển giao, nhân rộng kết quả nghiên cứu, ứng dụng phục vụ “tam nông” cũng như đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp theo cơ chế thị trường, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.  

    
    Trong năm   2018, đề tài “Ứng dụng đèn LED nâng cao hiệu quả khai thác hải sản (đối   với nghề chụp mực bốn tăng gông, vây, câu, mành) trên tàu đánh bắt hải   sản tỉnh Bình Thuận” cũng đang xúc tiến. Ngoài ra bước đầu đã triển khai   xây dựng mô hình phục hồi rừng nghèo bằng cây bản địa có giá trị và đặc   tính đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ NN & PTNT tại hai huyện Bắc   Bình và Hàm Thuận Nam…

QUỐC TÍN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
“Tai mắt” đặc biệt ở khu dân cư
Vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất là môi trường biển là nhiệm vụ cấp thiết ở Hàm Tiến - một phường trọng điểm về du lịch của TP. Phan Thiết. Không chỉ ra quân dọn rác, việc dọn rác từ trong ý thức người dân, doanh nghiệp cùng chung tay mới giải quyết được vấn đề “dọn rác từ gốc”…
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ “tam nông”