Theo dõi trên

Người cao tuổi tham gia chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và khởi nghiệp

15/05/2025, 04:57

Hưởng ứng Quyết định số 379 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bình Thuận đã chủ động triển khai Đề án “Người cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm”. Đây là bước đi giàu tính nhân văn, thể hiện tư duy đổi mới và cách tiếp cận hiện đại trong bối cảnh già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng trên cả nước.

Nguồn lực bền vững trong phát triển tỉnh

Với hơn 12% dân số trên địa bàn thuộc nhóm người cao tuổi, Bình Thuận xác định đây không chỉ là nhóm cần chăm lo mà còn là nguồn lực quý báu – giàu kinh nghiệm, có uy tín trong cộng đồng và có thể tiếp tục đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển của địa phương. Kế hoạch đề ra mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu 90% người cao tuổi được tuyên truyền, 50% sử dụng thành thạo kỹ năng số cơ bản, trồng 1 triệu cây xanh và hỗ trợ ít nhất 200 người khởi nghiệp, tạo ra 1.000 việc làm. Không dừng lại ở những con số, tỉnh mong muốn hình thành một thế hệ người cao tuổi “biết sống chủ động, sống có ích”, lan tỏa tinh thần sáng tạo, chuyển đổi trong cộng đồng, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

98615ef346acf3f2aabd.jpg
Đoàn thanh niên thị xã La Gi hướng dẫn người cao tuổi sử dụng công nghệ thông tin.

Với mục tiêu bảo đảm “không ai bị bỏ lại phía sau” trong kỷ nguyên số, kế hoạch của tỉnh Bình Thuận đặc biệt nhấn mạnh đến việc hỗ trợ người cao tuổi tiếp cận công nghệ. Trong thực tế, chuyển đổi số không còn là khái niệm xa vời. Nó đang diễn ra hằng ngày, trong từng hành vi, thói quen tưởng chừng rất đơn giản. Thay vì đi chợ và trả tiền mặt, nhiều bà nội trợ cao tuổi đã biết đặt hàng qua mạng và thanh toán bằng ví điện tử. Thay vì đến phường lãnh trợ cấp, giờ chỉ cần chờ tiếng “ting ting” trên điện thoại là tiền đã được chuyển khoản. Khám bệnh cũng thuận tiện hơn khi không cần cầm theo cả xấp hồ sơ vì mọi dữ liệu đã có trên hệ thống bệnh án điện tử. Có người còn sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa, kết nối với bác sĩ không kể khoảng cách địa lý.

Trên chiếc điện thoại nhỏ gọn, người cao tuổi có thể gọi video với con cháu, xem tin tức, đọc báo mạng, tìm hiểu chế độ dinh dưỡng và luyện tập phù hợp lứa tuổi. Đó chính là chuyển đổi số – không xa lạ, không hàn lâm – mà là tiện ích hiện hữu, hữu dụng trong đời sống hằng ngày.

Tuy nhiên, rào cản lớn nhất hiện nay vẫn là trình độ học vấn, thói quen cũ và tâm lý e ngại của người lớn tuổi. Không ít người khi nghe đến khái niệm “chuyển đổi số” vẫn còn lúng túng, hoang mang. Chính vì vậy, Đề án của tỉnh nhấn mạnh vai trò truyền thông, tổ chức các lớp tập huấn, “cầm tay chỉ việc” để người cao tuổi có thể sử dụng thành thạo điện thoại thông minh, các ứng dụng thiết yếu và nắm bắt được những kỹ năng cơ bản để tự bảo vệ mình trong môi trường mạng. Chuyển đổi số là cuộc cách mạng của toàn dân. Người cao tuổi không thể đứng ngoài, mà phải tham gia với tâm thế chủ động. Họ cần đổi mới tư duy, dám học hỏi, còn người trẻ cần đóng vai trò “người hướng dẫn” ân cần, tận tụy và kiên nhẫn. Chỉ khi có sự đồng hành giữa các thế hệ, quá trình chuyển đổi số mới thật sự toàn diện và nhân văn.

Hành động thiết thực từ cộng đồng

Không chỉ trong lĩnh vực công nghệ, người cao tuổi Bình Thuận còn được kỳ vọng trở thành lực lượng tiên phong trong công cuộc chuyển đổi xanh. Họ là những người gắn bó sâu sắc với đất đai, thiên nhiên – dễ tiếp nhận và lan tỏa lối sống thân thiện với môi trường. Thông qua các mô hình trồng cây xanh, phân loại rác tại nguồn, phát triển nông nghiệp hữu cơ và kinh tế tuần hoàn, người cao tuổi không chỉ bảo vệ môi trường mà còn truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. Hoạt động thường niên “Trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” cũng là dịp để cộng đồng cùng nhau hành động vì không gian sống xanh – sạch – đẹp.

Đề án cũng đặt mục tiêu xây dựng các mô hình khởi nghiệp dành cho người cao tuổi, tập trung vào những lĩnh vực phù hợp như thủ công mỹ nghệ, chế biến nông sản, du lịch cộng đồng… Đây là những lĩnh vực không đòi hỏi cường độ lao động cao, nhưng cần sự tỉ mỉ, kiên trì và kinh nghiệm – những thế mạnh vốn có của người cao tuổi. Tỉnh kỳ vọng đến năm 2035, có ít nhất 250 người cao tuổi được hỗ trợ khởi nghiệp, góp phần tạo ra 2.000 việc làm, đồng thời giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và phát huy vai trò xã hội của người cao tuổi trong giai đoạn mới.

Việc UBND tỉnh giao trách nhiệm rõ ràng cho các sở, ban, ngành trong triển khai thực hiện kế hoạch không chỉ bảo đảm tính khả thi mà còn thể hiện sự quyết liệt trong hành động. Hội Người cao tuổi tỉnh đóng vai trò then chốt, là cầu nối giữa chính quyền và người dân. Ngoài nguồn ngân sách nhà nước, tỉnh cũng khuyến khích xã hội hóa, vận động sự tham gia của doanh nghiệp và cộng đồng.

KIM ANH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hiệu quả quản lý thuế khi đẩy mạnh chuyển đổi số
Chuyển đổi số là giải pháp cần thiết để tối ưu hóa các quy trình quản lý, tăng cường tính minh bạch và cải thiện sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Thời gian qua, công tác chuyển đổi số được ngành Thuế tỉnh đẩy mạnh thông qua tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa quản lý thuế.
Nổi bật
Cải cách hành chính ở Hàm Thuận Nam: Đổi mới vì sự hài lòng của người dân
Với mục tiêu “Lấy người dân làm trung tâm phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân là thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước”, huyện Hàm Thuận Nam đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm trong Chương trình cải cách hành chính (CCHC) Nhà nước giai đoạn 2021- 2025 và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người cao tuổi tham gia chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và khởi nghiệp