Ảnh minh họa |
EU là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Mỹ), kim ngạch khoảng 1,2 tỷ USD/năm, Việt Nam không thể bị “thẻ đỏ” và đánh mất thị trường này. Vì vậy 6 tháng qua Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, các địa phương ven biển đã triển khai nhiều hành động quyết liệt và đồng bộ ngăn chặn nạn khai thác hải sản phi pháp. Nhận thức của ngư dân và doanh nghiệp đã có sự chuyển biến tích cực. Tình hình tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác trái phép ở vùng biển nước bạn đã giảm rõ rệt. Đây là nỗ lực rất đáng ghi nhận của Việt Nam.
Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 sẽ có nhiều quy định pháp lý siết chặt nạn khai thác bất hợp pháp, để nghề cá phát triển bền vững, có trách nhiệm hơn.
Tuy nhiên 6 tháng qua, trong 9 khuyến nghị mà EC đưa ra có cái Việt Nam đã thực hiện, có cái đang thực hiện. Một số khuyến nghị của EC phải có thời gian và lộ trình mới thực hiện được, vì nghề cá Việt Nam là nghề cá nhân dân manh mún nhỏ lẻ, đang chuyển lên hiện đại. Liên hệ với các nước trong khu vực có nghề cá tương tự Việt Nam, việc gỡ “thẻ vàng” của EC cũng không đơn giản: Thái Lan mất 2 năm chưa gỡ được “thẻ vàng”; Campuchia không gỡ được “thẻ vàng”, thậm chí bị “thẻ đỏ”; Hàn Quốc, Philippin gỡ được “thẻ vàng” nhờ triển khai rất nhiều biện pháp mạnh và đồng bộ. Đây là bài học quý cho Việt Nam tham khảo.
Bình Thuận là một trong các địa phương có nhiều tàu cá và ngư dân đi khai thác bất hợp pháp bị nước ngoài bắt giữ, tàu thuyền bị tiêu hủy, lao động bị giam giữ. Ngay từ đầu năm nay (16/1) Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Chỉ thị 30 CT/TU về các giải pháp cấp bách ngăn chặn ngư dân đi khai thác phi pháp ở vùng biển nước ngoài. Chỉ thị 30 “chốt” thời điểm đến ngày 30/4/2018 phải chấm dứt tình trạng này.
Nhiều biện pháp mạnh được áp dụng: đưa các chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm ra kiểm điểm trước dân, tước quyền sử dụng giấy phép khai thác vĩnh viễn, xử lý hình sự nếu tái phạm; bắt buộc các tàu ĐBXB phải trang bị thiết bị định vị vệ tinh để giám sát hành trình trên biển; tăng cường kiểm tra tàu thuyền xuất bến, về bến; liên tục tập huấn, tuyên truyền ngư dân không xâm phạm vùng biển nước ngoài...
Nhờ vậy tình hình ngư dân Bình Thuận xâm phạm vùng biển nước ngoài đang có chiều hướng giảm, nhưng vẫn xảy ra. Đầu năm nay có 3 tàu cá/23 ngư dân La Gi bị Thái Lan bắt giữ; Biên phòng cũng phát hiện ngăn chặn kịp thời 3 tàu cá Phú Quý chuẩn bị đi khai thác trộm ở Malaysia (chuẩn bị cờ, sơn tàu như nước sở tại). Mới đây thêm 2 tàu cá Bình Thuận bị Thái Lan và Inđonesia bắt giữ.
Vì vậy để chấm dứt hẳn tình trạng ngư dân ta đi đánh bắt phi pháp ở vùng biển nước ngoài, các huyện, thị vùng biển cùng các ngành chức năng phải thực hiện quyết liệt hơn nữa Chỉ thị 30 của Tỉnh ủy. Xin nhắc lại theo Chỉ thị 30: Nếu sau ngày 30/4/2018 tàu cá ngư dân địa phương nào vẫn tái phạm, thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương ấy, các ngành chức năng liên quan phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh.
Đặng Dũng