Theo dõi trên

Người khuyết tật vẫn gặp khó trong tiếp cận vốn vay, đào tạo nghề

13/04/2021, 15:35

Tại tọa đàm "Đối thoại chính sách về hướng nghiệp, đào tạo nghề và việc làm cho người khuyết tật" do Hội Người khuyết tật (NKT) TP. Hà Nội tổ chức sáng nay (13/4), bà Dương Thị Vân, Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội cho hay, công tác dạy nghề, tạo việc làm và hỗ trợ NKT tiếp cận nguồn vốn vay giải quyết việc làm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội NKT thành phố Hà Nội từ nhiều năm nay.

Trong 2 năm gần đây, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, vấn đề giải quyết việc làm cho phù hợp với NKT gặp rất nhiều khó khăn, cùng với đó là những rào cản trong tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển kinh tế.

Việc làm này nhằm giúp NKT có cơ hội được hòa nhập vào thị trường lao động, tiếp cận việc làm, tự tạo việc làm như: kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt, mở các dịch vụ: may đo, sửa chữa điện tử, điện lạnh, photocopy… để NKT khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên, tự lực trong cuộc sống, tăng thu nhập và ngày càng được hòa nhập bình đẳng vào cộng đồng.

Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, vấn đề giải quyết việc làm cho phù hợp với NKT gặp rất nhiều khó khăn, cùng với đó là những rào cản trong tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển kinh tế của NKT.

Bà Dương Thị Vân, Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội

Bà Nguyễn Thị Diệp, Hội người khuyết tật huyện Đan Phượng chia sẻ, bản thân bà bị teo chân từ nhỏ, là phụ nữ đơn thân và nuôi 2 con nhỏ, hoàn cảnh rất khó khăn. Trước đó, bà Diệp làm hồ sơ xin trợ cấp, xã đã xét duyệt nhưng khi lên huyện thì lại chưa được xét duyệt. Việc vay vốn để làm ăn hay phát triển kinh tế với bà Diệp là vấn đề rất xa vời. 

Ông Trịnh Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Hội NKT Hà Nội, Trưởng Ban việc làm Hội NKT TP. Hà Nội cho biết, đến nay, trên 70% xã, phường chưa thành lập hội NKT, vì vậy gặp nhiều khó khăn khi hội viên tiếp cận vốn vay tại các hội, đoàn thể, xã, phường; Một số hội đoàn thể tại địa phương còn e ngại rằng, NKT không có khả năng trả gốc khi đáo hạn.

Mỗi năm khi tổ vay vốn thay đổi người phụ trách cũng ảnh hưởng rất nhiều đến việc xét duyệt vốn vay cho NKT và không nắm được chính sách hỗ trợ NKT vay vốn.  Bên cạnh đó, hàng năm, các hội đoàn thể tại địa phương không được phân bổ nguồn vốn ưu tiên cho NKT là bao nhiêu tiền, do đó, NKT càng khó khăn hơn trong việc tiếp cận vốn vay.

“Đề nghị sở LĐ-TB&XH, Ngân hàng Chính sách xã hội, UBND và các hội đoàn thể quan tâm nhiều hơn nữa để NKT tiếp cận nguồn vốn vay thuận lợi hơn; Có chỉ tiêu phân bổ nguồn vốn vay hàng năm từ Ngân hàng Chính sách xã hội đến hội đoàn thể tại địa phương dành riêng cho NKT”, ông Trịnh Xuân Dũng kiến nghị.

Người khuyết tật vẫn gặp khó trong tiếp cận vốn vay, đào tạo nghề (Ảnh: KT)

Để bảo đảm sự bình đẳng về việc làm cho người khuyết tật, nhiều chính sách ưu đãi về vốn, học nghề cho người khuyết tật đã được triển khai. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác trợ giúp người khuyết tật, nhất là việc tạo việc làm bền vững cho người khuyết tật vẫn là một thách thức lớn.

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện, cả nước có hơn 6,2 triệu người khuyết tật nhưng chỉ có 31,7% trong số này nằm trong lực lượng lao động. Tỷ lệ có việc làm đối với người khuyết tật từ 15 tuổi trở lên là 36%, trong khi tỷ lệ này ở người không khuyết tật là 60%. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người khuyết tật là đối tượng yếu thế chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi mất việc làm.

Tại TP. Hà Nội, mặc dù số người khuyết tật có nhu cầu học nghề khá cao, tuy nhiên, số người lao động được dạy nghề, tạo việc làm thấp. Nguyên nhân do nhiều người khuyết tật và gia đình họ còn mặc cảm, tự ti. Hơn nữa, kinh phí hỗ trợ cho các dự án đào tạo nghề, tạo việc làm còn hạn chế; thời gian dạy nghề cho người khuyết tật quá ngắn, nhiều nghề không còn phù hợp với thị trường lao động khiến nhiều người khuyết tật không mặn mà với việc học nghề.

Để người khuyết tật có việc làm bền vững, nhiều ý kiến cho rằng, cần đưa chính sách hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật vào trong các chiến lược và kế hoạch quốc gia cũng như các chính sách địa phương. Bên cạnh đó, cần có cơ chế thực hiện có hiệu quả các khuyến khích tài chính đối với việc làm của người khuyết tật. Đồng thời, bổ sung quy định về các phương pháp tiếp cận trong đánh giá kỹ năng nghề quốc gia.

Chung Thủy-Vũ Huyền/VOV



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người khuyết tật vẫn gặp khó trong tiếp cận vốn vay, đào tạo nghề