Tại Bình Thuận, những tháng đầu năm 2023 tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nên số lao động tham gia BHXH bắt buộc và BHTN có xu hướng giảm. Trong tháng 1/2023 giảm 326 người so với tháng 12/2022; tháng 2 giảm 476 người (giảm 0,5%) so với tháng trước; tháng 3 giảm 429 người (giảm 0,4%) so với tháng 2/2023. Vì vậy, đến đầu tháng 4/2023 tỷ lệ bao phủ BHXH đạt 15,64 %, bao phủ BHTN đạt 12,92% lực lượng lao động (toàn tỉnh có khoảng 676.877 người trong độ tuổi lao động). Có thể nói, số người tham gia BHXH bắt buộc, BHTN liên tiếp giảm trong 3 tháng đầu năm 2023, (BHXH bắt buộc giảm 1.231 người; BHTN giảm 1.182 người so với cuối năm 2022). Vậy nguyên nhân do đâu?
Trước hết là do các mặt hàng xuất khẩu của ngành may mặc, giày da, thủy sản, chế biến gỗ xuất khẩu, sản xuất vật liệu xây dựng…đang gặp khó khăn do thiếu đơn hàng nên các doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất, giảm tối đa số lượng lao động. Các doanh nghiệp thành lập mới trong những năm gần đây trên địa bàn toàn tỉnh phần lớn là doanh nghiệp nhỏ hoặc siêu nhỏ. Hơn nữa, người lao động làm việc trong doanh nghiệp nhỏ là người trong gia đình, người cao tuổi đã nghỉ hưởng chế độ BHXH, số lao động còn lại thường là thuê mướn thời vụ, làm công nhật theo mùa vụ trong chế biến hải sản, dịch vụ ăn uống, du lịch… Mặt khác, hiện nay số tiền các doanh nghiệp nợ vẫn còn cao; nợ BHXH là 125.497 triệu đồng, chiếm 83% tổng số nợ; trong đó, số tiền nợ kéo dài (nợ từ 3 tháng trở lên) khoảng 85.703 triệu đồng, chiếm 56,7% tổng số nợ; các doanh nghiệp ngành chế biến hải sản, xây dựng, may mặc, giày da, chế biến gỗ…chưa khắc phục được số tiền nợ phát sinh trước và trong thời gian xảy ra dịch bệnh, nay tiếp tục để nợ kéo dài. Một bộ phận chủ doanh nghiệp chưa ý thức hết trách nhiệm của mình trong việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT; nhiều doanh nghiệp nợ với số tiền lớn và kéo dài nhiều năm làm ảnh hưởng đến nguồn quỹ BHXH và quyền lợi của người lao động. Qua rà soát mới đây cho thấy, toàn tỉnh có 134 đơn vị phá sản, giải thể, mất tích, ngừng hoạt động với tổng số tiền nợ 10.480 triệu đồng chiếm 6,8% trên tổng số tiền nợ, nhưng cấp trên chưa có văn bản hướng dẫn xử lý. Bên cạnh đó, còn gần 102 đơn vị ngừng giao dịch với cơ quan BHXH, số tiền chậm đóng lên tới 5.070 triệu đồng. Giám đốc BHXH tỉnh đã chỉ đạo BHXH các huyện, thị xã phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn rà soát và lập hồ sơ đơn vị nợ khó thu và kiến nghị cấp có thẩm quyền chỉ đạo xử lý. Do các đơn vị, doanh nghiệp nợ nhiều, người lao động không được tham gia BHXH nên độ bao phủ BHXH trong lực lượng lao động bị thu hẹp, không bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Để khắc phục những tồn tại nói trên, BHXH Bình Thuận đã chỉ đạo tăng cường các giải pháp để phát triển số lao động tham gia BHXH bắt buộc, BHTN trong thời gian tới. Trong đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và xử lý các đơn vị cố tình trốn đóng hoặc để nợ tồn đọng kéo dài, chậm đóng BHXH làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người Lao động. Mặt khác, phối hợp với Công đoàn các Khu công nghiệp tổ chức hội nghị tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, BNTN với người lao động tại các đơn vị sử dụng lao động. Tăng cường công tác thu và đôn đốc thu nợ; duy trì và phát triển mới người tham gia BHXH bắt buộc qua các kênh đăng ký kinh doanh của sở Kế hoạch - Đầu tư, rà soát dữ liệu thuế tại các chi cục thuế để yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp và người lao động tham gia đóng BHXH.