Theo dõi trên

Người lưu giữ tiếng kèn bầu dân tộc Rai

16/11/2021, 08:21

BT- Huyện Tánh Linh có 12 dân tộc anh em. Mỗi dân tộc không chỉ khác nhau về tiếng nói, phong tục, trang phục… mà còn có những nhạc cụ truyền thống mang phong cách riêng. Và đồng bào Rai ở xã Đức Thuận (huyện Tánh Linh) cũng vậy, chiếc kèn bầu được xem là nhạc cụ truyền thống độc đáo được bà con cố gắng lưu truyền, gìn giữ. Tuy nhiên, theo thời gian nhạc cụ này dần trở nên mai một.

Ông Rai say sưa thổi kèn bầu cho chúng tôi nghe.

Đã 70 tuổi đời, ông Trần Văn Rai, dân tộc Rai, thôn Đồng Me, xã Đức Thuận, huyện Tánh Linh đang cố gắng luyến láy tiếng kèn bầu cho chúng tôi thưởng thức. 2 năm nay do dịch Covid-19 hoành hành, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội của địa phương không tổ chức được nên ông không có dịp để trổ tài. Ông Rai cho biết, từ nhỏ đã rất hứng thú với loại kèn này, rồi tự mày mò học thổi. Nhưng khổ nỗi gia đình không có kèn, lại không có người chỉ dạy. Vậy là ông lân la đến những nhà có kèn để mượn và tự mày mò học. Cứ thế kiên trì tập luyện, dần dần đã biết điều tiết âm sắc phù hợp. Mỗi khi thôn, xóm có tổ chức văn hóa, văn nghệ, ngày hội đại đoàn kết dân tộc, ông Rai lại đến vừa để chung vui vừa chú ý quan sát học hỏi kỹ năng của người thổi kèn bầu. Thời gian trôi qua ông thổi kèn hay hơn và có nhiều dịp để biểu diễn hơn.

Bây giờ, trong làng này ông là người già duy nhất còn biết thổi loại kèn bầu. Các năm trước, mỗi khi trong làng có lễ hội là dịp tiếng kèn bầu của ông Rai được cất vang. Thi thoảng ông còn được người ta nhờ đi thổi kèn cả ngày. Để làm được chiếc kèn bầu là cả một quá trình công phu, tỉ mẩn. Vừa nói ông vừa đưa cho tôi xem chiếc kèn bầu và chậm rãi nói về cấu tạo của nó. Kèn gồm một trái bầu khô đã lấy sạch ruột có kích thước vừa phải, ở hông trái bầu được khoét 6 lỗ dùng để lắp 6 ống tre nứa và chia thành 2 hàng, trên 4, dưới 2 theo thang âm quy chuẩn trao truyền. Trong mỗi ống nứa có gắn một cái "lưỡi gà" để tạo độ rung. Khâu này rất quan trọng và khó nhất, bởi nó quyết định âm sắc. Cuối cùng mới gắn 6 ống nứa vào trái bầu và dùng sáp ong hàn kín. Tuy cấu tạo đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được, nên kèn bầu có giá thành khá cao, mỗi cái được bán với giá cả triệu đồng.

Giờ đây tuổi đã cao lâu lâu ông lại lấy kèn bầu ra thổi những điệu nhạc xưa cho gia đình, con cháu nghe. Ông mong muốn được truyền dạy việc thổi kèn bầu lại cho thế hệ sau. Nhưng con cháu ông học mãi vẫn chưa thành.

Tiếng kèn bầu giống như tiếng lòng của mỗi người con dân tộc Rai nơi đây. Tuy nhiên, nếu không có biện pháp lưu giữ, bảo tồn và phát triển loại nhạc cụ này trong giới trẻ thì có khả năng trong tương lai không xa nó sẽ bị mai một dần. Đây cũng là điều mà ông Rai đang lo lắng, trăn trở.

Ngọc Khánh



(1) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Lên lịch khám phá Bình Thuận dịp lễ 30/4 - 1/5
Với bờ biển đẹp, “thủ đô resort”, sa mạc cát thu nhỏ ở Đồi Hồng, Bàu Trắng, núi Tà Cú với tượng Phật nằm dài nhất Việt Nam, chùa Cổ Thạch, hải đăng Kê Gà lâu năm hay đi du thuyền trên lòng hồ Hàm Thuận, săn mây ở Đa Mi, trải nghiệm thực tế vườn thanh long, làng chài Mũi Né, vui chơi, mua sắm ở khu phức hợp Novaworld Phan Thiết… Bình Thuận đang là điểm du lịch để du khách tìm đến…
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người lưu giữ tiếng kèn bầu dân tộc Rai