Anh Đào Xuân Ánh cho biết thêm, vài tháng trước anh đã lặn lội vào thành phố Long Khánh (Đồng Nai), rồi về thị xã La Gi mua một số giống hoa, nhưng qua gieo trồng chỉ có cúc vạn thọ lùn nảy mầm tươi tốt, một vài giống hoa ngoại không nhú mầm. Anh bắt đầu gieo vạn thọ lùn vào cuối tháng 10 (âm lịch) vào những chậu nhựa nhỏ đường kính 20 cm đã đựng sẵn đất mùn tơi xốp, tưới nước ẩm, sau 3 - 5 ngày hạt sẽ nảy mầm, chỉ tưới nước nhẹ, hạt nước nhỏ tránh làm sây sát cây con. Sau đó tưới mỗi ngày 3 lần vào sáng sớm (tưới nhiều), 10 giờ sáng tưới lần 2 và 16 giờ chiều tưới lần 3 (2 lần sau tưới ít, vừa đủ). Sau khi cây phát triển ổn định, anh bón phân NPK tỷ lệ 0,5g/1 lít nước, tưới 10 ngày 1 lần. Cây sắp ra nụ, chuyển sang dùng phân bón qua lá Growmore (loại 10 - 30 - 30) xịt định kỳ mỗi tuần 1 lần để kích thích cho nụ hoa phát triển bằng đầu cây nhang, kịp xuất bán vào rằm tháng chạp trở đi, đến giáp tết hoa sẽ bung nở tròn trịa, màu sắc đẹp… Với kinh nghiệm này, vườn hoa vạn thọ của anh Ánh năm nào cũng nở kịp vào dịp Tết Nguyên đán bán hết cho khách trong và ngoài huyện Hàm Tân. Những người nông dân ở làng quê chỉ cần vài chậu cúc vạn thọ vàng tươi là đủ “trang điểm” cho căn nhà nhỏ đón tết về. Được biết ở thị trấn Tân Nghĩa có gần 10 hộ chuyên trồng hoa như anh Đào Xuân Ánh, bán vào mỗi dịp tết cổ truyền. Ngoài ra, ở vài xã như Tân Thắng, Thắng Hải, Sơn Mỹ... một số bà con cũng làm thêm nghề phụ này, bán ở chợ quê, kiếm tiền trang trải tết.
T.Khoa