Những ngày qua nông dân trồng tiêu ở 2 huyện Đức Linh, Tánh Linh rất vui bởi giá hồ tiêu tăng kiểu “phi mã” từng ngày. Tuy vậy, nhiều diện tích bị chết do sâu bệnh hoặc nắng nóng kéo dài không đủ nguồn nước tưới nên sản lượng cung ứng cho thị trường không nhiều. Ông Nguyễn Dũng ở khu vực Suối Lạnh, xã Đa Kai, Đức Linh có vườn điều khoảng 3 ha, dưới gốc điều ông trồng xen cây tiêu, mấy năm trước tiêu chỉ có giá 50.000 – 60.000 đồng/kg nên gia đình ông không đầu tư phân bón nhiều, vì đầu tư nhiều sẽ lỗ nên để mặc vườn tiêu kiểu được bao nhiêu thu bấy nhiêu. Cuối vụ năm rồi tiêu có dấu hiệu tăng giá nên nhiều người trồng tiêu bắt đầu chăm chút bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật. Ông Dũng cho biết: “Cây tiêu rất khó trồng, nhà tôi có vườn tiêu trồng chuyên canh nhưng 2 năm trước chết sạch, chỉ còn lại 3 ha trồng xen dưới gốc điều nhưng năng suất không cao như trồng chuyên canh”. Chị Lê Chiến – Phó Chủ tịch UBND xã Đa Kai cho biết: 3 năm trở lại đây diện tích trồng tiêu chuyên canh trong xã chết rất nhiều, hiện chỉ còn cây tiêu trồng ghép với điều khoảng 90 ha. Tiêu trồng chuyên canh 1 ha năng suất có thể đạt từ 15 tạ đến 3 tấn/ha nhưng trồng ghép chỉ đạt 5 – 8 tạ/ha. Năm nay giá tiêu tăng cao nhưng khi giá khoảng 100.000 – 110.000 đồng/kg người dân đã bán nhiều, chỉ một số gia đình có điều kiện trữ tiêu lại thì nay trúng đậm…”. Ở xã Đức Tín, Đức Linh nhiều nhà chuyên trồng tiêu đầu tư bài bản như tưới nhỏ giọt từ gốc đến ngọn, cách ly người lạ vào vườn để tránh lây nhiễm bệnh. Ông Nguyễn Ry ở Đức Tín có vườn tiêu trên 3 ha cho biết: Trồng và chăm sóc cây tiêu rất cực, bệnh cây tiêu hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị nên khi gốc nào phát bệnh là phải khoanh vùng biệt lập không đi ra vào vùng khoanh để tránh lây nhiễm qua gốc khác. Chính vì cây tiêu khó chăm sóc nhưng giá thành không đạt như kỳ vọng trong khi một số loại cây trồng khác như cà phê, sầu riêng vài năm trở lại đây giá tăng kỷ lục nên nhiều nhà đã phá bỏ vườn tiêu để trồng cây khác…
Ông Trương Quang Đến – Trưởng phòng Nông nghiệp – PTNT Đức Linh cho biết: Toàn huyện hiện có 628 ha tiêu hầu hết đang tuổi thu hoạch, năng suất bình quân 15 – 16 tạ/ha, sản lượng khoảng 972 tấn.
Nếu ở Đức Linh cây tiêu được đưa vào quy hoạch cây trồng chiến lược thì ở Tánh Linh cây tiêu không nằm trong loại cây quy hoạch bởi do chất đất và các điều kiện khác. Tuy nhiên, nhiều hộ ở Tánh Linh có điều kiện vẫn trồng tiêu, anh Phan Đại ở xã Đức Thuận mấy năm trước đầu tư xây trụ bằng gạch để trồng tiêu nhưng sau đó thu hoạch được 3 năm thì tiêu bị bệnh chết cả vườn. Không nản chí, anh trồng tiêu ở phía đất đồi hơn 1 ha, bám trụ qua mấy vụ tiêu giá thấp, năm nay anh thu hoạch gần 2 tấn tiêu thương phẩm nên rất vui, anh tâm sự: Các loại nông sản đều theo giá thị trường nên có năm này năm nọ, nhiều hộ khi thấy giá thấp liền chặt bỏ trồng cây khác nhưng khi thu hoạch thì cây khác hết thời gian thịnh trong khi tiêu lại có giá nên tiếc đứt ruột. Vì vậy, không chỉ với cây tiêu mà các loại cây khác trước khi trồng phải xác định giá trị thị trường lâu dài và phải kiên trì mới có được doanh thu tốt. Hiện nay Tánh Linh có khoảng 114 ha tiêu tập trung ở mảng bắc sông huyện từ Huy Khiêm đến Đức Phú…
Theo thống kê, Việt Nam đã xuất khẩu 113.000 tấn hồ tiêu các loại trong 5 tháng đầu năm 2024, trong khi nguồn cung ngày càng thu hẹp. Lượng cần thiết cho xuất khẩu đã giảm đáng kể trong khi mùa thu hoạch năm 2025 vẫn còn 8 tháng nữa mới đến. Đây là thách thức không nhỏ đối với thị trường hồ tiêu khi nguồn cung được dự báo thấp hơn nhu cầu toàn cầu. Trong bối cảnh sự tồn kho dự trữ tiêu trên toàn cầu xuống thấp, sản lượng tiêu của nhiều quốc gia ở mức thấp do chịu tác động tiêu cực từ hiện tượng El Nino… khiến giá tiêu có thể sẽ tiếp tục tăng cao. Đánh giá về nguyên nhân giá hồ tiêu liên tục tăng, chuyên gia của hiệp hội hồ tiêu cho rằng do tồn kho hồ tiêu tại các nước sản xuất chính như Việt Nam, Ấn Độ và Brazil đều ở mức thấp, trong khi đó nhu cầu tiêu thụ cao trong thời gian qua. Hoạt động thu mua hồ tiêu của các doanh nghiệp tăng mạnh để chuẩn bị cho các kỳ nghỉ lễ trong năm. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng hồ tiêu trong nước và quốc tế đang có xu hướng tăng do người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các gia vị tự nhiên, tốt cho sức khỏe. Thêm vào đó, nhu cầu dự trữ hồ tiêu cũng tăng do lo ngại nguồn cung có thể tiếp tục giảm trong tương lai, nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp đã tăng cường mua vào để dự trữ.
Hồ tiêu đang tăng giá từng ngày và nhiều khả năng sẽ còn tăng cao để “lập đỉnh” như năm 2015 với giá 250.000 đồng/kg. Đây là thời gian “vàng” giúp người trồng tiêu có nguồn doanh thu cao để tái đầu tư…