Theo dõi trên

Nguồn gốc, ý nghĩa và việc tổ chức cúng lễ ngày Giỗ tổ Hùng Vương

05/04/2017, 11:00

Ngày 10/3 âm lịch hàng năm là ngày Quốc lễ, cả dân tộc hướng về cội nguồn, tưởng nhớ các vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước.

 “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba.”

Để ghi nhớ công ơn của các Vua Hùng có công khai thiên, lập địa, vua Lê Thánh Tông năm 1470 và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, chọn ngày 11 và 12 tháng 3 âm lịch làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Đến thời nhà Nguyễn - năm Khải Định thứ 2 chính thức chọn ngày 10 tháng 3 Âm lịch làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương để tưởng nhớ các Vua Hùng và nhắc nhở mọi người Việt Nam cùng tưởng nhớ thờ cúng Tổ tiên.

Vào ngày 6/12/2012, việc giỗ tổ Hùng Vương đã được cả thế giới biết đến khi UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là một Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngày giỗ tổ Hùng Vương 10/3 không chỉ thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn mà còn là niềm tự hào của người Việt trước bạn bè quốc tế.

                
      
      Bánh Chưng bánh Dày    dâng lên Quốc Tổ (Ảnh: Ngọc Luân)

Nghi thức tế lễ giỗ tổ Hùng Vương

Bộ Văn hóa hướng dẫn nghi thức tưởng niệm các Vua Hùng. Trong Công văn số 796/HD-BVHTTDL ngày 18/3/2009 đã ghi rõ Lễ phẩm bao gồm:

Bánh dày 18 chiếc (dâng lên 18 đời Vua Hùng) – Bánh chưng 18 chiếc (dâng lên 18 đời Vua Hùng) – Hương hoa, nước, trầu, cau, rượu và ngũ quả.

Bánh dày hình tròn, tượng trưng cho Trời, thường không có nhân. Bánh chưng hình vuông, tượng trưng cho Đất, bên trong có nhân mặn.

Bên cạnh hướng dẫn đó thì lễ vật dâng cúng trong các buổi tế lễ Hùng Vương hầu hết ở các địa phương gần như giống nhau, đều có xôi, oản, hoa quả, rượu, hương, gạo muối, bánh chưng bánh dày, gà luộc (bắt buộc phải là gà trống thiến), thịt lợn (bắt buộc là lợn đen).

Việc thờ cúng ngày giỗ tổ Hùng Vương tại các gia đình

Theo GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, Nhà nước đã có quy định về quy mô tổ chức giỗ tổ Hùng Vương, năm chẵn 5 năm một lần thì quy mô lớn hơn các năm lẻ. Còn tại các gia đình, theo khảo sát thì ở tỉnh Phú Thọ, có nhiều gia đình tổ chức cúng giỗ tổ tiên, tưởng nhớ các vị vua Hùng vào ngày này. Ngoài Phú Thọ thì ở những nơi khác, việc thờ cúng ngày giỗ tổ Hùng Vương không phổ biến.

Hòa thượng Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Thông tin Truyền thông GHPGVN cho biết, tại các chùa hiện không tổ chức cúng giỗ vào ngày giỗ tổ Hùng Vương, đây không phải là một hoạt động truyền thống của giáo hội, cũng ít gia đình tổ chức cúng giỗ vào ngày này.

Cũng theo Hòa thượng Thích Gia Quang, kể từ năm 2007, khi Quốc hội chính thức công nhận giỗ tổ Hùng Vương là Quốc lễ thì ngày này có ý nghĩa đặc biệt hơn với mỗi người dân Việt Nam, tạo ra dư luận xã hội tốt, là dịp để những người dân tỏ lòng thành tâm hướng về cội nguồn tổ tiên.

Minh Anh/VOV



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nguồn gốc, ý nghĩa và việc tổ chức cúng lễ ngày Giỗ tổ Hùng Vương