Theo dõi trên

Nguồn nước tuyển quặng không là vô tận

12/01/2017, 08:39

BT- Trong những năm qua, việc khai thác, chế biến ti tan của doanh nghiệp tại những vùng đồi cát ven biển tỉnh ta đã gây ô nhiễm, suy thoái các tầng chứa nước dưới đất. Theo các chuyên gia, hoạt động tuyển quặng trên, cần khối lượng nước lớn cho nhiều công đoạn sản xuất tại các hố vít khai thác đến tuyển tách quặng thô, quặng tinh (theo công thức khoảng 3 m3 nước tách 1 m3 cát quặng). Dự báo trữ lượng khoáng vật nặng có ích trên địa bàn tỉnh 500 triệu tấn, trong đó hàm lượng cát quặng 5%, nguồn nước dưới đất về lâu dài không đủ cung cấp tuyển rửa. Trong quá trình khai thác ti tan cũng làm thay đổi bề mặt địa hình các cồn cát ven biển, thứ tự địa tầng của các lớp cát cũng hoàn toàn bị xáo trộn, thay đổi so với ban đầu; rừng phòng hộ ven biển bị suy giảm, không còn lớp thực vật che phủ. Ngoài ra, nguồn nước cho sinh hoạt, nước phục vụ nông nghiệp, công nghiệp, hoạt động du lịch của không ít các vùng ven biển cũng bị ảnh hưởng…

                
Khai thác titan cần khối lượng nước lớn.

Điển hình, cách đây chưa lâu, Công ty TNHH Thương mại Tân Quang Cường đào hồ chứa nước trái phép để khai thác hố moong titan rộng 4.000 m2 tự ý đào trước đó đã làm vỡ bờ moong chứa nước, khối lượng lớn bùn đỏ nhão nhoẹt chảy tràn xuống lấp đường tỉnh ĐT 719, cây cối, khu du lịch gần đó, hòa đỏ vùng nước ven biển. Còn trước đó, 5 doanh nghiệp trong thời gian dài được cấp giấy phép đã sử dụng nguồn nước dưới đất để khai thác, chế biến ti tan ở mỏ Thiện Ái (xã Hòa Thắng, Bắc Bình) đã làm nguồn nước sinh hoạt của người dân địa phương bị nhiễm mặn, nguy cơ cạn kiệt. Hay tại phường Bình Tân, thị xã La Gi, một công ty phải dừng khai thác ti tan, do làm ô nhiễm nguồn nước dưới đất dùng cho sinh hoạt khu vực dân cư Tân Long…

Được biết, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, cuối năm qua, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã giao Tổng cục Môi trường cùng Tổng cục Địa chất & Khoáng sản, Cục Quản lý tài nguyên nước vào Bình Thuận kiểm tra các vấn đề liên quan giấy phép do Bộ cấp, trong đó chú trọng vào tài nguyên nước. Qua đợt kiểm tra 33 doanh nghiệp lần này, đoàn đã giao tỉnh xử lý nhiều doanh nghiệp khai thác, sử dụng nguồn nước mặt, nước ngầm không đúng quy định, không có giấy phép hoặc hết hạn. Trong khi đó, Sở Tài nguyên & Môi trường cũng đã rà soát quy định pháp luật liên quan tài nguyên nước đối với khai thác khoáng sản (tuần hoàn, tái sử dụng nước từ quá trình tuyển quặng, biện pháp cách ly nước thải với lòng đất, xử lý nước thải qua sử dụng…), tham mưu tỉnh đề nghị Bộ Tài nguyên & Môi trường hướng dẫn tỉnh thực hiện đúng quy định.

Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã hoàn chỉnh dự án “Quy hoạch nước dưới đất vùng cát ven biển, kết hợp các giải pháp quản lý, khai thác, bảo vệ nước dưới đất trong quá trình khai thác tuyển quặng ti tan, giai đoạn đến năm 2025”. Phạm vi vùng quy hoạch gồm toàn bộ diện tích vùng cát, đồng bằng, cửa sông ven biển từ huyện Tuy Phong đến huyện Hàm Tân, với tổng diện tích tự nhiên 3.200 km2. Mục tiêu dự án đánh giá hiện trạng khai thác sử dụng nước dưới đất trong vùng quy hoạch; dự báo những tác động tới chất lượng nguồn nước trong khu vực khai thác ti tan, nhu cầu sử dụng nước ngầm theo từng thời đoạn; quy hoạch phân bổ và bảo vệ nước dưới đất trên các vùng cát ven biển Bình Thuận…

    
    Sở   Tài nguyên & Môi trường đã đề xuất các biện pháp công trình khai thác,   sử dụng nguồn nước dưới đất ở các  khu vực, giải quyết nhu cầu sử dụng   nước cho khai thác ti tan; đảm bảo an ninh lâu dài nguồn nước dưới đất   trong quá trình hoạt động này. Nguồn nước này cũng sẽ đảm bảo cấp nước   sinh hoạt, phục vụ cho công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản, du lịch, phát   triển kinh tế, xã hội, dân sinh vùng quy hoạch…

ThỤy Khanh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nguồn nước tuyển quặng không là vô tận