Theo dõi trên

Nhân ngày truyền thống nghề cá (1/4): Vạn Thủy Tú và một loài cá được phụng thờ

30/03/2018, 08:28

BT- Bình Thuận là một tỉnh có truyền thống làm nghề biển. Trải dọc đường bờ biển dài 192 km, có rất nhiều làng chài và cũng có nhiều thiết chế “Dinh Vạn” (thường gọi là vạn) được xây dựng. Theo thống kê của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, hiện trên địa bàn tỉnh có 39 “vạn” làng chài, trong đó có 3 vạn được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia, 8 vạn được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Trong số các “vạn”, Vạn Thủy Tú ở thành phố Phan Thiết khá đặc biệt, bởi không chỉ vì được xây dựng từ cách đây gần một phần thứ thế kỷ, là nơi lưu giữ nhiều sắc phong của các triều vua Nguyễn và đặc biệt là nơi lưu giữ, thờ phụng hàng trăm bộ xương cá voi (cá ông, thường được ngư dân gọi là “Ông Nam Hải”), trong đó có bộ được cho là lớn nhất Việt Nam.

                
Bộ xương cá voi ở Vạn Thủy Tú (TP. Phan    Thiết). Ảnh: Đình Hòa

Tục thời cá voi được phổ biến ở các làng chài Việt Nam. Theo quan niệm của ngư dân, cá voi là loài cá thường che chở, cứu giúp ngư dân khi gặp nạn trên biển và truyền nhau nhiều câu chuyện ly kỳ nhưng có thật. Chẳng hạn ở làng Diêm Phố, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, hầu như ngư dân nào cũng biết đến chuyện cá voi “cõng” trên mình mấy ngư dân bị đắm thuyền vào bờ rồi mắc cạn do thủy triều xuống, “lụy” (chết) luôn ở làng này, người dân đã xây miếu để thờ. Còn ở thôn Long Thạnh, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, ai cũng biết gia đình ông Đặng Tảo, 3 đời được cá voi cứu, nên thờ phụng bộ xương cá voi trong nhà hơn 50 năm nay, năm nào cũng làm lễ giỗ long trọng. Ra đảo Lý Sơn, có nhiều câu chuyện về cá voi cứu ngư dân trong những cơn bão mạnh. Như câu chuyện ông Nguyễn Quốc Chinh cùng 20 ngư dân được cá voi cứu sống năm 1991; câu chuyện thuyền trưởng Nguyễn Văn Thiện cùng 14 thủy thủ được cứu trong cơn bão Chanchu năm 2006 hay câu chuyện ông Nguyễn Văn Công được 2 con cá voi lấy lưng đỡ thuyền vượt qua bão lớn, về đến vùng biển an toàn… Đó là mùa mưa năm 2009, thuyền của ông Công sau gần một tháng đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, thì được tin có bão, vậy là giong tàu trực chỉ Lý Sơn chạy về. Chưa về đến Lý Sơn, bão đã đến. Con tàu nhỏ với gần chục ngư dân bị bão quần hai ngày thì hỏng máy, gãy bánh lái, mọi việc chỉ chờ vào số phận. Rồi một ngày trôi qua giữa sóng to, gió lớn, tàu bị quăng quật tứ phía; hy vọng càng nhỏ dần, nhỏ dần, các ngư dân quyết định dùng dây thừng nối mọi người lại với nhau, để khi chết có tìm thấy thi thể thì vẫn có chung cả tàu. Bỗng nhiên con tàu lấy được thăng bằng, chống chọi được với sóng to, gió lớn. Toàn bộ ngư dân biết là có “Ông” cứu giúp, hồi hộp, cầu khấn xin Ông “độ” tàu, đưa về nơi an toàn… Sáng hôm sau, tàu thoát vùng bão (cũng có thể bão đi qua), xa xa đã nhìn thấy lờ mờ đất liền. Mọi người mừng rỡ lên bong, chợt thấy 2 sống lưng trầy da, rướm máu chập chờn dưới mặt biển. Cả tàu vái lạy hai Ông, hai Ông quẫy đuôi, rẽ sóng rồi lặn sâu xuống biển…

Theo quan niệm của ngư dân, khi gặp cá Ông chết và dạt vào bờ, thì nơi đó có điềm lành, là phúc đến, bởi mảnh đất đó được Ông chọn làm nơi yên nghỉ, được Ông tin tưởng phó thác việc an táng. Theo phong tục, ngư dân nào trông thấy Ông đầu tiên là người đó được làm “con trưởng” của “ngài”, và người này có nhiệm vụ lo làm đám tang chu đáo, để tang sau 3 năm mới mãn tang...

Trở lại với Dinh Vạn Thủy Tú, theo lời kể lại của ngư dân nơi đây, vào năm 1762, sau khi xây xong Dinh Vạn thì có một Ông rất to lớn trôi dạt vào bờ phía trước Dinh, rồi “lụy”. Ông to và dài hơn 22 m (nặng khoảng 65 tấn) nên ngư dân nơi đây phải huy động thêm ngư dân các làng vạn khác cùng nhau đưa Ông vào táng trong khuôn viên của Dinh Vạn Thủy Tú. Sau đó bốc cốt, nhập tẩm, đưa vào Dinh thờ phụng. Năm 2003 bộ cốt Ông được Viện Hải dương học Nha Trang phục chế và bảo quản tại Nhà bảo tàng của Dinh. Bộ xương này được sách kỷ lục Guiness Việt Nam ghi nhận là bộ xương cá voi còn nguyên vẹn lớn nhất Việt Nam. Ngoài ra, ở Vạn Thủy Tú, còn có gần 100 bộ xương cá voi và nhiều loài khác cùng họ đang được lưu giữ ở tẩm thờ, trong đó có những bộ xương được lưu giữ từ 100 – 150 năm.

Ngoài các bộ xương cá voi, Dinh Vạn Thủy Tú còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển cộng đồng cư dân nghề cá ở Phan Thiết, tiêu biểu là 24 sắc phong của các đời vua triều Nguyễn và chiếc chuông đồng đúc vào năm Nhâm Thân (1872), có dòng chữ "Tự Đức Nhị thập ngũ niên - Xuân Quý Giáo đáng - Thủy Tú Vạn - Bổn Vạn đồng ký". Hàng năm tại dinh diễn ra nhiều đợt tế lễ, như: Tế Xuân vào 20/ 2 âm lịch, Lễ hội Cầu ngư 20/4 âm lịch, Lễ Chính mùa 20/6 âm lịch, Lễ Chèo dọc 20/7 âm lịch và Lễ Mãn mùa 23/8 âm lịch. Các hoạt động này được người dân trong vùng tổ chức trang trọng với các hoạt động nghi lễ và các màn múa hát, như hát bội, diễn bá trạo, hội đua ghe...

Năm 1996, Vạn Thủy Tú đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia và là một trong những điểm đến hấp dẫn của du khách khi đến thành phố biển Phan Thiết.                                    

Tư An



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhân ngày truyền thống nghề cá (1/4): Vạn Thủy Tú và một loài cá được phụng thờ