Theo dõi trên

Nhân rộng thâm canh lúa cải tiến SRI

06/09/2017, 08:11

Sau lần đầu thực hiện thành công mô hình “Thâm canh lúa theo phương pháp SRI” ở vụ đông xuân 2016-2017 với lượng giống chỉ từ 8 kg/sào mang lại hiệu quả cao vừa được thực hiện tại huyện Tuy Phong, vụ hè thu 2017, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tiếp tục nhân rộng mô hình tại HTX Hòa Thành (thị trấn Phú Long, Hàm Thuận Bắc).

         
   

         

         Mô    hình lúa theo phương pháp SRI tại Hàm Thuận Bắc.

Năng suất lúa vượt trội

Trước thời điểm thu hoạch vài ngày, chúng tôi có mặt tại cánh đồng lúa của hộ ông Trần Ngọc Phụng, khu phố Phú Hòa, thị trấn Phú Long. Ông Phụng là thành viên HTX Hòa Thành, cũng là chủ hộ tham gia mô hình. Nhìn đám ruộng vàng rực trĩu hạt, ông Phụng vui mừng chia sẻ: “Dù rất lo lắng nhưng tôi vẫn mạnh dạn tham gia mô hình với diện tích 4 sào (giống lúa MT10), có hỗ trợ của nhà nước về phân, giống, kỹ thuật… Nếu như trước đây, sản xuất lúa truyền thống, năng suất lúa chỉ đạt từ 50 - 55 tạ/ha ở mỗi vụ, nhưng khi tham gia mô hình, dự kiến năng suất lúa hè thu năm nay của gia đình đạt khoảng 60 tạ/ha. Theo nhẩm tính của ông Phụng, so với mùa trước, thực hiện canh tác theo SRI rất hiệu quả, giảm sâu rầy và công phun thuốc, công lao động… khoảng 30% chi phí.

Chị Nguyễn Thị Kim Dung, cán bộ phụ trách mô hình tại HTX Hòa Thành cho biết: “Mô hình được thực hiện bằng 4 công thức thử nghiệm, gồm lượng giống gieo sạ 8 kg/sào, 10 kg/sào, 12 kg/sào và 16 kg/sào (đối chứng). Quá trình theo dõi, cho thấy mật độ gieo sạ 12kg/sào vụ hè thu là phù hợp nhất, lúa sinh trưởng tốt, đẻ nhánh khỏe, tập trung, ít sâu bệnh và năng suất đạt cao nhất”.

Chủ nhiệm HTX Hòa Thành- ông Đỗ Văn Mao cũng không giấu được niềm vui: “HTX hiện canh tác 230 ha, trong đó diện tích lúa 80 ha, mỗi năm gieo trồng 3 vụ, diện tích còn lại chủ yếu trồng cây thanh long và cây màu. Đây là lần đầu tiên tại Hàm Thuận Bắc thực hiện mô hình SRI. Tôi thấy so với mật độ 10 kg-12 kg mang lại hiệu quả kinh tế (sạ thưa hơn sạ dày). Lâu nay, tập quán của nông dân trong tỉnh là gieo sạ lúa dày, với 18 đến 25 kg/sào, tốn nhiều lúa giống, tốn phân, nước. Vấn đề bây giờ là làm sao thay đổi được tập quán của nông dân. Do đó, trong thời gian tới HTX sẽ mở rộng diện tích sản xuất theo mô hình để bà con nhân rộng”.

Cần thay đổi tư duy canh tác

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh (trung tâm), nếu áp dụng SRI trên diện rộng với lượng giống gieo 12 kg/sào, nông dân HTX Hòa Thành có thể tiết kiệm khoảng 19,2 đến 31,2 tấn giống mỗi năm, tương đương 211 đến 343,2 triệu đồng. Áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm trên diện rộng, nông dân mỗi năm có thể tiết kiệm hơn 1 triệu m3 nước so với cách tưới truyền thống. Ngoài ra, tưới nước theo phương pháp SRI, cây lúa phát triển tốt bộ rễ, hạn chế tối đa hiện tượng đổ ngã khi gặp điều kiện thời tiết bất lợi.

Ông Nguyễn Tám - Giám đốc trung tâm cho biết: “Khó khăn nhất trong triển khai mô hình là thay đổi tư duy, phương thức canh tác truyền thống của người dân. Để đưa mô hình thâm canh lúa cải tiến nhân rộng trong bà con, thời gian tới trung tâm sẽ tiếp tục mở các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật và xây dựng các mô hình trình diễn; phối hợp với chính quyền, đoàn thể các địa phương tuyên truyền, vận động các hộ nông dân hiểu được mục đích và lợi ích lâu dài khi áp dụng mô hình. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh về kinh phí để tiếp tục xây dựng mô hình ở các huyện trọng điểm như: Bắc Bình, Tánh Linh, Đức Linh, góp phần tăng năng suất, giảm áp lực sâu bệnh hại, hạn chế các tác động xấu đến môi trường sinh thái và giảm chi phí sản xuất cho bà con”.

Nói rõ hơn về mục đích mô hình, lãnh đạo trung tâm cho biết thêm, được sự hỗ trợ của tổ chức SNV (Tổ chức phát triển Hà Lan), trung tâm đã hỗ trợ cho HTX Hòa Thành xây dựng mô hình: “Khảo nghiệm mật độ gieo áp dụng phương pháp tưới nước tiết kiệm” (ướt khô xen kẽ) trong vụ hè thu 2017, để xác định mật độ gieo thích hợp nhất cho địa bàn thị trấn Phú Long nói riêng và huyện Hàm Thuận Bắc nói chung. Qua đó, nhằm định lượng mật độ gieo sạ hợp lý và cách sử dụng nước tiết kiệm có hiệu quả trong canh tác lúa, tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất. Đồng thời, làm cơ sở khoa học để tuyên truyền, vận động nông dân thay đổi tập quán canh tác, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu, cải thiện môi trường.

Kiều Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhân rộng thâm canh lúa cải tiến SRI