Theo dõi trên

Nhiều bất cập trong đấu giá tài sản

21/07/2020, 11:41

BT- Đấu giá tài sản đã và đang trở thành vấn đề nóng khi nhiều vụ không minh bạch, rõ ràng, có “chân trong chân ngoài” bị phanh phui. Vấn đề này buộc ngành chức năng cần xem xét việc quản lý Nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản.

                
      Một hình thức đấu giá tài sản. Ảnh: Internet

Đấu giá tài sản (ĐGTS) là hình thức bán tài sản công khai để nhiều người được tham gia trả giá mua một tài sản. Thông qua hình thức mua bán này, quyền lợi của người có tài sản và người mua được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, để mua được tài sản đó, đặc biệt tài sản liên quan đất đai... có những tổ chức, cá nhân đã dùng “thủ đoạn”, “chiêu trò, mánh khóe”, “quân đỏ, quân xanh” dìm giá, thậm chí sử dụng cả “xã hội đen” để giành giật mua. Trước thực trạng trên nhiều tỉnh, thành nói chung, Bình Thuận nói riêng đang kiến nghị Bộ Tư pháp ban hành văn bản, hoàn thiện Luật Đấu giá tài sản để quản lý tốt hơn hoạt động ĐGTS.

 Nhiều bất cập

Trong ĐGTS có một “thế giới ngầm” với đủ “chiêu trò”, mánh khóe làm sao để mua được tài sản đó với giá như ý. Cách đây không lâu, tôi đã không tin một người bạn kể rằng: “Mua đất đấu giá phải biết cách mua. Rủ vài người quen biết hoặc người thân và thỏa thuận ngầm, nhường nhau chia đều các lần đấu giá”. Và bây giờ tôi đã tin, mánh khóe đó là một trong những “chiêu trò” trong ĐGTS mà báo chí phanh phui nhiều vụ. Càng tin hơn khi vấn đề này đưa ra bàn luận sôi nổi tại Hội nghị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2020 theo hình thức trực tuyến tại 64 điểm cầu trên cả nước, trong đó điểm cầu chính đặt tại Bộ Tư pháp mới đây.

Nhiều địa phương thừa nhận có “chiêu trò” trong ĐGTS. Chiêu trò này không chỉ trong tổ chức ĐGTS mà còn trong những người tham gia đấu giá. “Có công ty ĐGTS thực hiện 1 hoặc 2 vụ với giá trị tài sản lớn rồi giải thể công ty, chiếm đoạt tiền... Ở Cà Mau xảy ra 2 vụ, hiện không xử lý được”, giám đốc Sở Tư pháp Cà Mau dẫn chứng. Cục Thi hành án  dân sự Hà Nội thành lập một nhóm chuyên đi nghiên cứu rà soát những vướng mắc về bán ĐGTS, trong đó có liên quan đến bán ĐGTS thi hành án, nhận thấy tiêu cực trong ĐGTS là có. Ông Lê Xuân Hồng – Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Hà Nội cho biết: Trong ĐGTS thi hành án, tài sản của người bị thi hành án được chấp hành viên mang đi bán đấu giá. Khi bán đấu giá, chấp hành viên ký hợp đồng với tổ chức đấu giá mang danh nghĩa là người có tài sản theo quy định và cũng chính chấp hành viên thuê tổ chức thẩm định giá. Việc giao toàn quyền cho chấp hành viên quyết định mọi thứ như vậy không ổn, sẽ xảy ra vấn đề không minh bạch nếu chấp hành viên thông đồng ký kết với các tổ chức ĐGTS không tốt... Bên cạnh đó, có tình trạng tổ chức ĐGTS gây khó khăn cho khách hàng trong việc tiếp cận, mua hồ sơ đấu giá và xem tài sản với mục đích hạn chế người tham gia đấu giá. Rất nhiều trường hợp biết thông tin ĐGTS đến mua hồ sơ, nhưng tổ chức bán đấu giá gây khó khăn như bán theo thời gian nhất định, hoặc đến nơi thì nhân viên bán hồ sơ đi vắng, không liên lạc được, hoặc chuyển địa điểm bán hồ sơ… Rồi hiện tượng “quân xanh, quân đỏ” để thông đồng dìm giá trong các phiên đấu giá dẫn đến giá trị tài sản bán được chỉ chênh so với giá khởi điểm rất ít… Chưa kể còn có băng nhóm “xã hội đen” có hành vi “đe dọa, cưỡng ép” những người tham gia đấu giá nhằm uy hiếp, thao túng cuộc đấu giá. Tình trạng này cách đây 2 năm, từng diễn ra ở Bình Thuận, “xã hội đen” gây áp lực tại phiên đấu giá quyền sử dụng 8 lô đất 2 mặt tiền ở khu tái định cư Đông Xuân An, TP. Phan Thiết, khiến lực lượng công an phải tăng cường giữ gìn an ninh - trật tự.

 Giải pháp tháo gỡ

Trước thực trạng, nhiều lãnh đạo Sở Tư pháp ở các tỉnh, thành cho rằng, một phần do văn bản pháp luật không cụ thể khiến khó quản lý hoạt động bán đấu giá. Lãnh đạo Sở Tư pháp Nghệ An, một tỉnh được xem là quản lý khá tốt hoạt động bán đấu giá cho rằng, tại Khoản 4 Điều 56 Luật Đấu giá quy định chung chung, chưa cụ thể về các tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá. Dựa vào quy định này mà nhiều đơn vị, tổ chức đã lựa chọn tổ chức đấu giá theo “quan hệ”, không xem xét năng lực của các tổ chức này, lựa chọn đơn vị đấu giá yếu kém, dẫn đến nhiều hệ lụy.

Nhiều lãnh đạo Sở Tư pháp ở các tỉnh, thành khác cũng cho biết gặp không ít khó khăn trong quá trình thực thi các văn bản hướng dẫn, quản lý hoạt động đấu giá tài sản. Vì hoạt động đấu giá liên quan đến nhiều luật, trong đó Luật Đất đai, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Tài chính, Luật Ngân hàng, Luật Thi hành án... Phó Giám đốc Sở Tư pháp Đắk Lắk Nguyễn Thanh Vũ nêu: Mặc dù có những vi phạm trong đấu giá, nhưng không phải vi phạm nào cũng do đấu giá viên, mà do cả người tham gia đấu giá và người có tài sản đấu giá. Cần quy định quy trình định giá khung giá đất sát hơn so với thực tế, tránh tình trạng lợi dụng kẽ hở để trục lợi.

Ở Bình Thuận, đã triển khai chính thức trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản đến các sở, ban, ngành có liên quan và các tổ chức đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh, công khai lựa chọn tổ chức đấu giá. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 3 tổ chức hành nghề đấu giá, trong đó Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản và 2 doanh nghiệp hành nghề đấu giá. Tuy vậy, ngành chức năng cần tăng cường quản lý tốt hoạt động đấu giá để không còn “chiêu trò, mánh khóe” trong ĐGTS, tạo điều kiện cho ai cũng có thể tham gia mua tài sản đấu giá và được pháp luật bảo vệ.

    
      Trong 6 tháng đầu năm, riêng Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản đã thực   hiện 114 hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổng giá khởi điểm hơn 150   tỷ đồng; tổ chức 69 cuộc đấu giá thành với giá  hơn 57 tỷ đồng (vượt hơn   3 tỷ đồng so với giá khởi điểm).

Ninh Chinh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều bất cập trong đấu giá tài sản