Theo dõi trên

Nhiều dự án điện gió vận hành thương mại

09/11/2021, 09:33

BT- Thông tin Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, đến cuối tháng 10/2021 có 69 nhà máy điện gió với tổng công suất gần 3.299 MW được EVN công nhận vận hành thương mại (COD), trong tổng số 106 nhà máy điện gió, tổng công suất 5.655,5 MW đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm. Nếu bao gồm cả 15 nhà máy điện gió được công nhận COD vận hành trước đây, thì trong hệ thống điện quốc gia đã có tổng cộng 84 nhà máy điện gió với tổng công suất hơn 3.980 MW được công nhận COD… Trong đó, Bình Thuận có các dự án đăng ký đã được công nhận COD đến cuối tháng 10 vừa qua như: Nhà máy điện gió Thái Hòa công suất 90 MW tại xã Hòa Thắng, Bắc Bình do Tập đoàn Thái Bình Dương đầu tư; Tân Phú Đông 50 MW, Hồng Phong 1 công suất 40 MW; Phong điện 1 - Bình Thuận (giai đoạn 2) gần 30 MW; Phú Lạc - giai đoạn 2 với 25 MW, Hàm Cường 2 với 20 MW, Thuận Nhiên Phong 19 MW.

Nhà máy điện gió Thái Hòa vận hành thương mại.

Đảm bảo tiến độ vận hành thương mại, các chủ đầu tư nhà máy điện gió trong nước nói chung, Bình Thuận nói riêng đã nỗ lực quyết tâm cao trước tình hình dịch Covid - 19 hoành hành khắp nơi, huy động tối đa nguồn lực thi công, hoàn thành chạy thử nghiệm đã đăng ký với EVN. Đại diện Tập đoàn Thái Bình Dương cho biết: “Tập đoàn đã hoạt động hết công suất, tìm hướng giải quyết, tuân thủ đúng các quy định của Bộ Y tế, hoàn thành cách ly các chuyên gia nước ngoài đưa họ đến công trường vào thời điểm nước rút. Nhiều kỹ sư của doanh nghiệp cùng chuyên gia đảm nhận vai trò kỹ thuật tại các bộ phận lắp ráp tua bin để hoàn thành đấu nối, đóng điện đúng thời hạn”.

Việc chạy thử nghiệm được công nhận COD theo quy định giúp các nhà máy điện gió thuận tiện trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 10/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam (có hiệu lực đến ngày 31/10/2021), giá ưu đãi cố định (giá FIT) cho điện gió trên đất liền là 8,5 cents/kWh (khoảng 1.927 đồng), trên biển là 9,8 cents/kWh (tương đương 2.223 đồng). Giá này chưa gồm thuế giá trị gia tăng (VAT), được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy có ngày vận hành thương mại trước 1/11/2021. Giá này được áp dụng trong 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại. Trong khuôn khổ liên quan, một thành viên Hiệp hội điện gió Bình Thuận cho biết, còn một số dự án điện gió do dịch bệnh, giãn cách xã hội ảnh hưởng đến tiến độ thi công nên chưa vận hành thương mại toàn bộ dự án đúng tiến độ…

Tại Bình Thuận, các nhà máy điện gió đi vào hoạt động thương mại sẽ đóng góp một phần không nhỏ trong việc đảm bảo an ninh cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia. Với lợi thế nguồn năng lượng sạch này, các dự án điện gió ở Bình Thuận đã và đang góp phần khai thác lợi thế tiềm năng ở những vùng đất khô cằn của tỉnh, tạo thêm nguồn năng lượng đáng kể cho hệ thống điện quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, thu hút lao động trẻ có tay nghề tại địa phương.

T.Khoa



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều dự án điện gió vận hành thương mại