14 dự án khu dân cư có quy hoạch được phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch bằng quyết định của tỉnh gần đây nhất là năm 2016 và xa nhất là năm 2010. Con số vốn đã khô khan nhưng quá trình triển khai lại càng “xơ cứng” hơn khi có dự án chưa có tiền chi trả bồi thường cho dân. Trong khi đó, dự án Khu ký túc xá cho sinh viên ở xã Tiến Lợi hiện còn hai hộ dân được mời 3 lần đến nhận tiền nhưng họ bất hợp tác. Có những việc không phụ thuộc vào kinh phí, nhưng cơ quan được giao lập quy hoạch chi tiết lại chưa có động tĩnh gì, như dự án mở rộng Khu dân cư Phú Tài – Phú Trinh (giai đoạn 2). Với các kiểu, cách triển khai như vậy chắc chắn sẽ không bao giờ đạt tiến độ theo quy định. Nhà đầu tư chịu thiệt đã đành, người dân cũng hết sức ngao ngán khi dự án bị kéo dài, ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Cũng có trường hợp một số dự án được tỉnh thống nhất chủ trương đầu tư theo hình thức đối tác công – tư, nhưng khi triển khai chủ đầu tư gặp khó khăn do bế tắc kinh phí. Nhắc đến quy hoạch kéo dài phải đề cập đến việc giải phóng mặt bằng hiện nay vẫn là chuyện khó nhất. Chỉ nội chuyện xác định tính pháp lý nguồn gốc đất thu hồi đã phát sinh bao việc rối rắm. Chưa kể chính sách, đơn giá đền bù thay đổi, người dân không hợp tác thì việc dự án kéo dài là chuyện sẽ xảy ra. Có ý kiến cho rằng nguyên nhân các dự án khu dân cư kéo dài do chủ đầu tư yếu về tiềm lực kinh tế, thiếu về con người, trang bị, phương tiện. Bởi vậy từ đây về sau khi xúc tiến, quảng bá thu hút đầu tư cần chọn các nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư lớn.
Để chấn chỉnh tình trạng này, thiết nghĩ tỉnh cần kiên quyết thu hồi những dự án không khả thi, có các chính sách hỗ trợ đặc thù cho người dân trong vùng dự án. Thành phố Phan Thiết cần tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, không để lấn chiếm đất và xây dựng trái phép, làm ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án. Được vậy thì mới chấm dứt được điệp khúc dự án treo, dự án kéo dài đang tồn tại trên thực tế như hiện nay.
Như Nguyễn