Theo dõi trên

Nhớ anh Nguyễn Bùi Vợi - đau đáu văn chương, thăm thẳm tình đời

01/11/2024, 05:36

Nhà thơ - Nhà giáo Nguyễn Bùi Vợi sinh ngày 5/11/1933 tại xã Cát Ngạn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Tốt nghiệp Trường Trung cấp Khoa học xã hội Khu học xá Nam Ninh - Trung Quốc năm 1956, anh được phân công về Trường Sư phạm Hà Nội rồi chuyển lên dạy học ở Vĩnh Phú từ năm 1957 - 1971.

Sau đó anh về công tác tại Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam cho đến tháng 3/1996 thì nghỉ hưu. Báo Giáo dục và Thời đại (thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo) mời anh làm biên tập viên trang văn hóa văn nghệ đến năm 2000 thì anh nghỉ hẳn ở nhà sáng tác tự do. Anh lâm trọng bệnh và vĩnh viễn ra đi vào ngày 8/5/2008 trong niềm thương tiếc của gia đình, bè bạn và độc giả yêu thơ cả nước.

hinh-bia-sach-nguyen-bui-voi-.jpg

Đọc thơ anh đã lâu nhưng mãi đến năm 1994, khi anh vào Bình Thuận công tác tôi mới tiếp cận nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi bằng xương bằng thịt. Tay bắt mặt mừng, hàn huyên tâm sự chuyện đời, chuyện nghề khiến tôi càng thấy quý mến và kính trọng anh hơn. Bởi vì, giữa trang viết và con người nhà giáo - nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi nhất quán với nhau như hình với bóng, không hề có khoảng cách.

Là nhà giáo dạy văn loại giỏi, là người thủy chung và lận đận với thơ ca một cách tự nguyện, anh đã được đền đáp phần nào qua một số bài thơ được đông đảo bạn đọc yêu mến, được đồng nghiệp trân trọng, được chọn đưa vào sách giáo khoa để giảng dạy trong chương trình phổ thông. Có thể kể một số bài tiêu biểu như: Qua Thậm Thình, Vằng vặc sao Khuê, Ngày em xa, Nỗi nhớ không mùa, Vị tướng về thăm trường cũ, Cái già, Chồng Nghệ…

Ngoài bài thơ Qua Thậm Thình nổi tiếng được nhiều người thuộc lòng, anh còn có không ít những câu thơ nằm trong trí nhớ của bạn đọc cả nước, nhất là những người yêu thích và tâm huyết với văn chương.

Anh viết về xứ Nghệ - nơi chôn nhau cắt rốn của anh với những chi tiết đặc sắc, tinh tế, không lẫn vào đâu được:

Em cười bối rối mà thương

Thương em một lại trăm đường thương quê

Gió Lào thổi rạc bờ tre

Chỉ qua giọng nói đã nghe nhọc nhằn

(Tiếng Nghệ)

Anh viết về bè bạn văn chương với tấm lòng tri âm, tri kỷ kiểu “Bá Nha - Tử Kỳ” mà trong thời buổi cơ chế thị trường hiện nay không phải dễ tìm, dễ có:

Xa dăm ba hôm đã thấy nhớ rồi

Đêm trở rét lo bạn mình nhức gối

Có chiều gặp, không chuyện gì để nói

Cứ ngồi nhìn cũng đủ để thương nhau

(Bạn, mùa xuân)

Anh dành những lời thơ mộc mạc, chân tình rút ra từ thẳm sâu gan ruột để tặng riêng cho người vợ tần tảo, chịu thương chịu khó của mình:

Ngày nắng đem chăn chiếu ra phơi

Tuần đôi bận, lau nhà thay vỏ gối

Thay việc em làm mà không thay nổi

Cái tảo tần rất mẹ ở trong em.

(Ngày em xa)

Nhân kỷ niệm 600 năm ngày sinh Nguyễn Trãi, cũng là dịp UNESCO vinh danh ông là danh nhân văn hóa thế giới, anh có bài thơ “Vằng vặc sao Khuê”, trong đó có những câu thơ nói lên chiều kích sâu xa của tầm vóc vĩ nhân, rất dung dị mà nhói tim người đọc:

Trên nhung lụa mà đêm không chợp mắt

Áo vua ban chưa ấm một bên lòng

Đánh xong giặc trở về đầu bạc

Tim vẫn đau vì trăm nỗi nhân gian.

Anh là một trong số không nhiều lắm những nhà thơ lớp trước luôn tận tâm chăm chút, phát hiện, giới thiệu các cây bút tỉnh lẻ cách xa thủ đô Hà Nội hàng nghìn cây số, trong đó có tôi. Sự tỉ mỉ, tinh tế, cẩn trọng của thâm niên nghề giáo đã để lại dấu ấn rõ nét trong quá trình bình thơ, thẩm thơ, biên tập thơ của anh khi còn công tác ở Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam và báo Giáo dục & Thời đại.

Với sự cộng tác của các nhà thơ Quang Huy, Vũ Quần Phương, anh là người chủ biên công trình “Thơ Việt Nam Thế kỷ XX - Thơ trữ tình” - do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành năm 2004. Đây là tuyển tập thơ đồ sộ, được tuyển chọn hết sức công phu, nhằm khắc họa chân dung nền thi ca Việt Nam trong thế kỷ XX; là loại sách tham khảo đặc biệt dành cho học sinh, giáo viên, sinh viên, nghiên cứu sinh và bạn đọc yêu thơ cả nước. Bình Thuận có 4 nhà thơ được góp mặt trong công trình này, bao gồm: Phan Minh Đạo, Lê Nguyên Ngữ, Đỗ Quang Vinh, Huỳnh Hữu Võ. Năm 1998, Báo Giáo dục & Thời đại tổ chức cuộc thi thơ lục bát (kéo dài từ tháng 5/1996 đến tháng 5/1998) để chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, và tiến tới kỷ niệm 40 năm báo ra số đầu tiên. Được anh khuyến khích, tôi gửi thơ dự thi, có tác phẩm vào vòng chung khảo và trước đó, khi sơ kết đợt 1, chùm thơ của tôi nhận được tặng thưởng của Ban tổ chức. Cuộc thi vinh dự được nhà thơ lớn Tố Hữu làm cố vấn, và Hội đồng chung khảo quy tụ các nhà thơ tiêu biểu, nổi tiếng cả nước như: Hữu Thỉnh, Vũ Quần Phương, Quang Huy, Vương Trọng, Trần Đăng Khoa. Anh không nói nhưng tôi biết, với vai trò Trưng ban Sơ khảo anh đã dành rất nhiều công sức và tâm huyết để góp phần vào thành công của cuộc thi, với 32.862 bài thơ của 6.861 tác giả cả nước gửi về tham dự.

Ở anh bộc lộ rõ khí chất cương trực, khẳng khái của con người miền Trung và điều này đã khiến anh nhiều phen lao đao, lận đận cả trong nghề giáo lẫn nghiệp văn. Năm 2002, được sự động viên của gia đình và sự giúp đỡ của bạn bè chí cốt, anh xuất bản Tuyển tập thơ Nguyễn Bùi Vợi dày hơn 300 trang với 132 bài thơ chọn lọc và 2 truyện thơ tiêu biểu. Đây có thể xem là phần tinh túy nhất trong “tài sản nghệ thuật” của anh qua gần nửa thế kỷ miệt mài sáng tác đồng thời với nghề dạy học.

Anh có những chiêm nghiệm, đúc kết khá độc đáo về sự nghiệt ngã của nghề cầm bút. Sinh thời, có lần anh chia sẻ với tôi “… Cái nghề viết của anh em mình lạ lắm Vinh à. Có anh chỉ gặt một vụ mà ăn cả đời. Đó chính là những tài năng. Còn anh em mình kém tài thì cứ gặt vụ nào, ăn vụ ấy…”.

Anh Nguyễn Bùi Vợi quý mến! Một người đã từng có hàng trăm cuộc bình thơ trong Nam ngoài Bắc; có tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa giảng dạy cho học sinh từ lâu; chủ biên nhiều công trình tuyển tập thơ ca có giá trị, được đồng nghiệp đánh giá cao và quý trọng ở tấm lòng trong sáng, vô tư, không vụ lợi; hết lòng giúp đỡ những cây bút viết văn - làm thơ trẻ. Lẽ nào một con người như vậy lại là kẻ thiếu tài, kém đức.

Sau ngày anh mất, gia đình đã dành thời gian tuyển chọn những bài bình thơ tiêu biểu cùng một số bài viết của bạn bè về anh, xuất bản 2 đầu sách để tưởng nhớ anh, trong đó có tập: “Nguyễn Bùi Vợi với tình đời” (Nxb Hội Nhà văn – 2015). Chị Từ - người hiền nội rất mực yêu chồng đã thay anh gởi sách biếu đến bạn bè trong Nam, ngoài Bắc với tình cảm chân thành như khi anh còn sống. Nhớ anh - tôi nhớ về một nhà giáo xuất sắc tận tâm tận lực với sự nghiệp “trồng người” - một nhà thơ đôn hậu để lại ấn tượng đậm sâu trong lòng đồng nghiệp và những người ái mộ. Xin được mượn lời đánh giá của nhà thơ Hữu Thỉnh - nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trong bài điếu văn tiễn anh về cõi vĩnh hằng năm 2008, để kết thúc bài viết này. “… Ông đã nêu một tấm gương sáng về tinh thần trách nhiệm và sự tận tụy trong lao động nghệ thuật dù là sáng tác, biên khảo hay mọi quan hệ với đồng nghiệp, bè bạn gần xa…Ông là một trong những nhà thơ xuất sắc của nền thơ ca đương đại Việt Nam…”.

ĐỖ QUANG VINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Thi trực tuyến toàn quốc tìm hiểu nội dung cuốn sách của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
BTO-Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đang phát động Cuộc thi trực tuyến toàn quốc tìm hiểu nội dung cuốn sách của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Nổi bật
Về miền Tây thăm “Vườn ông Sáu Dân”
Vừa qua, trong chuyến công tác tại một số tỉnh miền Tây, ghé Vĩnh Long, chúng tôi được giới thiệu tham quan khu lưu niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt hay còn gọi là “Vườn ông Sáu Dân”. Với kiến trúc không gian mở, thiết kế hiện đại, ứng dụng công nghệ số, khu lưu niệm đã tạo nên nét riêng, dung hòa giữa sự trang trọng, thành kính, sâu lắng và sự thân thiện, gần gũi để từ đó truyền tải thông điệp về quê hương, gia đình, cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp to lớn, quan trọng của cố Thủ tướng Võ Văn
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhớ anh Nguyễn Bùi Vợi - đau đáu văn chương, thăm thẳm tình đời