Qua đây cũng cho thấy sự rất quan tâm, nỗ lực của lãnh đạo tỉnh trong công tác thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Với những tiềm năng, lợi thế mà Bình Thuận sở hữu, từ nhiều năm nay đã hấp dẫn, thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư lớn, các tập đoàn kinh tế trong nước và quốc tế. Tiềm năng, lợi thế đó là: Sở hữu vị trí địa lý chiến lược với đường bờ biển dài 192 km, tiếp giáp các tuyến giao thông hàng hải quốc tế, cùng nguồn tài nguyên đa dạng; Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đang được cải thiện mạnh mẽ với các tuyến cao tốc và cảng biển quốc tế Vĩnh Tân, góp phần kết nối tỉnh với các vùng kinh tế trọng điểm... Ngoài ra, Bình Thuận còn có 9 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 3.000 ha đang phát triển, cùng với các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư của tỉnh, giúp tạo ra môi trường đầu tư thân thiện và hiệu quả.
Với tiềm năng lợi thế đó, tính đến nay toàn tỉnh đã thu hút được tổng cộng hơn 1.650 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký lên đến khoảng 1.800.000 tỷ đồng. Trong đó, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng chiếm một tỷ trọng đáng kể, tập trung vào các lĩnh vực như du lịch, công nghiệp và năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, theo đánh giá chung, kết quả đầu tư đó chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh nhà. Phần lớn là các dự án nhỏ lẻ hoặc tầm trung bình, ít có dự án lớn là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.
Trong những năm qua đã có nhiều tập đoàn kinh tế trong nước và quốc tế đã đến Bình Thuận. Nhà đầu tư được xem là "đại bàng" là những tập đoàn lớn, có nguồn lực tài chính dồi dào và kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Cụ thể, Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) Đan Mạch đang xúc tiến dự án điện gió ngoài khơi La Gàn với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 10,5 tỷ USD, cho thấy quy mô đầu tư lớn của những nhà đầu tư quốc tế này.
Ngoài CIP, Tập đoàn Enterprize Energy cũng đang hợp tác với nhiều đối tác quốc tế để triển khai các dự án như Tổ hợp Thăng Long Wind, với tổng vốn đầu tư lên đến gần 17 tỷ USD. Những nhà đầu tư này không chỉ mang lại vốn mà còn cung cấp công nghệ, kinh nghiệm kỹ thuật tiên tiến, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành điện gió tại Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng. Tuy nhiên hiện nay các dự án “đại bàng” này chưa triển khai đầu tư vì đang có một số vướng mắc cần Trung ương tháo gỡ…
Thực tế thì trong những năm qua Bình Thuận cũng đã đón được “đại bàng”, đơn cử là Dự án Novaworld Phan Thiết được phát triển bởi Tập đoàn Novaland với tổng diện tích gần 1.000 ha. Dự án là tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng - giải trí - thương mại, bao gồm nhiều loại hình sản phẩm như biệt thự nghỉ dưỡng, nhà phố thương mại (shophouse) và căn hộ khách sạn (condotel). Được đầu tư dự kiến 5 tỷ USD, Novaworld Phan Thiết có hơn 1.000 tiện ích tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm trung tâm hội nghị, khu thể thao phức hợp, công viên nước, sân golf PGA, cùng các khu vực giải trí và ẩm thực đa dạng. Novaworld Phan Thiết còn tổ chức nhiều sự kiện văn hóa và thể thao, quảng bá đa dạng nét đẹp văn hóa địa phương và tiềm năng du lịch của Phan Thiết.
Và mới đây với sự nỗ lực của UBND tỉnh và các sở ngành, Dự án Khu đô thị thương mại, dịch vụ mới Hàm Tiến - Mũi Né tại TP. Phan Thiết, đã có thông báo về danh sách nhà đầu tư trúng thầu. Hai nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực là liên danh Công ty TNHH Đầu tư Biển đẹp Phú Quốc và Công ty TNHH Mặt trời Hạ Long. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 11.000 tỷ đồng, diện tích khoảng 219 ha. UBND tỉnh Bình Thuận đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án này và yêu cầu nhà đầu tư thực hiện hồ sơ đề nghị chấp thuận theo quy định. Dự án này được kỳ vọng sẽ phát triển đồng bộ các hạ tầng kỹ thuật và xã hội, bao gồm nhà ở, dịch vụ thương mại, công trình công cộng và không gian xanh.
Để thu hút các nhà đầu tư được ví là “đại bàng” cho các dự án lớn, Bình Thuận cần tiếp tục thực hiện một số biện pháp quan trọng. Trước tiên, việc hoàn thiện thể chế chính sách, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các tuyến giao thông trọng điểm, để tăng tính kết nối và thuận lợi cho việc di chuyển của nhà đầu tư và khách du lịch. Chú trọng đến việc phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị, và dự án du lịch lớn, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế của tỉnh.
Tỉnh cần tập trung giải quyết vướng mắc, khó khăn trong việc triển khai đầu tư các dự án lớn. Một trong những điểm nghẽn chính là công tác giải phóng mặt bằng, do việc xác định nguồn gốc và giá đất, dẫn đến nhiều dự án bị trì hoãn.
Cuối cùng, môi trường kinh doanh cần được cải thiện, đặc biệt là trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính và cung cấp thông tin đầy đủ hơn cho các nhà đầu tư. Tạo môi trường pháp lý thông thoáng, nỗ lực cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cải thiện môi trường đầu tư, với mục tiêu đưa Bình Thuận trở lại nhóm 30 địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư.