Theo dõi trên

Nơi bảo đảm sự công minh của pháp luật

24/07/2020, 10:04

 BT- Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, một quốc gia có chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Bản Tuyên ngôn độc lập là văn bản pháp lý đầu tiên vô cùng quan trọng, đặt nền móng để bảo vệ nền độc lập, củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng các thiết chế, trong đó có các cơ quan tư pháp của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Viện Kiểm sát nhân dân Việt Nam, nơi bảo đảm sự công minh của pháp luật là một trong những cơ quan ấy.

                
      
      Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đồng chí lãnh đạo    Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tại Hội nghị triển khai công tác của    ngành Kiểm sát nhân dân.

 Thành lập

Tiền thân của Viện Kiểm sát nhân dân là cơ quan công tố. Thời kỳ đầu, chức danh công tố ủy viên và hoạt động công tố nằm trong hệ thống tòa án nhưng độc lập với hoạt động xét xử của tòa án. Đến năm 1958, chức danh công tố ủy viên và hoạt động công tố được tách ra khỏi hệ thống tòa án, trở thành hệ thống cơ quan Viện Công tố trực thuộc Chính phủ. Viện Công tố có chức năng, nhiệm vụ: Điều tra và truy tố trước tòa án những kẻ phạm tội; giám sát việc chấp hành luật pháp trong công tác điều tra, xét xử, thi hành các bản án về hình sự, dân sự; giam giữ và cải tạo; khởi tố và tham gia tố tụng trong những vụ án dân sự quan trọng liên quan đến lợi ích của Nhà nước và nhân dân.

Vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, cách mạng Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới: Miền Bắc tập trung củng cố, cải tạo xã hội chủ nghĩa và tiến hành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ở miền Nam tiếp tục đấu tranh giải phóng, thống nhất nước nhà, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân trong cả nước. Trước yêu cầu mới của cuộc cách mạng xây dựng xã hội chủ nghĩa, cải cách bộ máy Nhà nước ta, thì việc thành lập Viện Kiểm sát nhân dân trở thành yêu cầu khách quan, tất yếu. Hiến pháp năm 1959 đã ghi nhận chế định Viện Kiểm sát nhân dân, trong đó xác định vị trí, chức năng và các nguyên tắc cơ bản về tổ chức và hoạt động của hệ thống Viện Kiểm sát nhân dân Việt Nam. Trên cơ sở Hiến pháp năm 1959, ngày 15/7/1960, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa II nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã thông qua Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân. Ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20-LCT công bố Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân; kể từ đó, ngày 26/7 hàng năm trở thành ngày truyền thống của ngành kiểm sát nhân dân.

 Thực thi nhiệm vụ

Ngay từ những năm đầu khi mới được thành lập, ngành Kiểm sát nhân dân đã xác định công tác kiểm sát thực chất là công tác chính trị, công tác kiểm sát phải phục vụ nhiệm vụ chính trị. Viện Kiểm sát nhân dân qua các thời kỳ khác nhau đều dựa trên các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội và căn cứ vào quy định của pháp luật để đề ra các nhiệm vụ trọng tâm công tác của mình. Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, ngành kiểm sát nhân dân phải luôn bám sát các nhiệm vụ chính trị của cách mạng trong từng giai đoạn, gắn nhiệm vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước. Chính vì vậy, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với ngành Kiểm sát là nhân tố quyết định hiệu quả hoạt động của Viện Kiểm sát nhân dân.

Từ năm 1960 đến năm 1975, hệ thống tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân các cấp được hình thành và triển khai hoạt động ở miền Bắc. Thực hiện Hiến pháp năm 1959, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 1960, kế thừa kinh nghiệm tổ chức và hoạt động của Viện Công tố, toàn ngành Kiểm sát nhân dân vừa tiến hành củng cố, xây dựng lực lượng, tổ chức bộ máy, vừa thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo định hướng công tác kiểm sát gắn với việc phục vụ các nhiệm vụ chính trị, xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Từ năm 1975 đến năm 1986, Viện Kiểm sát nhân dân triển khai tổ chức và hoạt động trên cả nước, tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ; xây dựng và kiện toàn tổ chức theo quy định của Hiến pháp năm 1959 và Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 1960. Giai đoạn này cả nước tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh vừa hòa bình lại vừa có chiến tranh xảy ra ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, thời kỳ này, ngành kiểm sát được tổ chức và hoạt động trên phạm vi toàn quốc, có nhiệm vụ chung là bảo vệ pháp chế thống nhất. Trong giai đoạn này, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã cùng với Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) thống nhất đường lối xử lý đối với một số loại tội phạm mới. Đã truy tố, đưa ra xét xử nghiêm minh các vụ án gián điệp, bạo loạn, lợi dụng hoạt động tôn giáo để chống phá Nhà nước, những kẻ lưu manh chuyên nghiệp, côn đồ hung hãn, những cán bộ thoái hóa, biến chất phạm tội... Qua đó, đã vạch trần trước dư luận trong và ngoài nước những âm mưu, hành động phá hoại nhiều mặt chống Nhà nước và nhân dân, đồng thời, rút ra những bài học cảnh giác trước âm mưu của kẻ địch.

Từ năm 1986 đến nay, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12/1986) đã thảo luận và thông qua đường lối đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đánh dấu bước ngoặt trong sự lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa đất nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế, xã hội. Ngày 15/4/1992, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 11 đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992. Hiến pháp đã thể chế hóa đường lối đổi mới của Đảng và khẳng định rõ chức năng, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát nhân dân tại Điều 137: “Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các bộ, các cơ quan ngang bộ, các cơ quan khác thuộc Chính phủ, các cơ quan chính quyền địa phương, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân, thực hành quyền công tố, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Các Viện Kiểm sát nhân dân địa phương, các Viện Kiểm sát quân sự kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố trong phạm vi trách nhiệm do luật định”.

Ngày 2/1/2002, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới, đã nhấn mạnh đến trách nhiệm của Viện Kiểm sát trong thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp. Ngày 2/4/2002, Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 2002. Theo đó, Viện Kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp. Quán triệt nghị quyết của Đảng, của Quốc hội về những nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là những chủ trương của Đảng và Nhà nước về Chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngành Kiểm sát nhân dân đã đề ra và quán triệt thực hiện nghiêm túc chủ trương “Đổi mới, chất lượng, kỷ cương, hướng về cơ sở”, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đột phá, nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều thành tựu nổi bật, tạo sự chuyển biến thật sự trên các mặt công tác, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và của ngành. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã có nhiều biện pháp chỉ đạo toàn ngành tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, tăng cường trách nhiệm đối với hoạt động điều tra; nâng cao chất lượng xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa; đổi mới công tác điều tra của cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; tập trung thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng các đề án về cải cách tư pháp; đảm bảo các điều kiện về trụ sở làm việc, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác. Làm tốt công tác phát hiện vi phạm, kiến nghị, kháng nghị và báo cáo tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp; đã ban hành nhiều kiến nghị, kháng nghị yêu cầu cơ quan hữu quan khắc phục, phòng ngừa vi phạm, bảo đảm pháp chế trong hoạt động tư pháp. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao tập trung chỉ đạo điều tra, truy tố và xét xử những vụ án lớn về tham nhũng, kinh tế chức vụ do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo…

Trong những năm gần đây, thực hiện phương châm công tác “Đoàn kết, đổi mới - Trách nhiệm, kỷ cương - Thực chất, hiệu quả”, toàn ngành đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động nghiệp vụ, công vụ và nội vụ. Tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động, xây dựng hệ thống thanh tra của ngành; thành lập các đơn vị, bộ phận thanh tra tại Viện Kiểm sát cấp tỉnh; kiện toàn đội ngũ, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thanh tra; đẩy nhanh việc hoàn thiện thể chế công tác thanh tra. Tăng cường trách nhiệm công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, bảo đảm không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra; tăng cường năng lực Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế, thực hiện tốt nhiệm vụ của cơ quan đầu mối ở Trung ương để thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hợp tác ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn với Viện Kiểm sát, Viện Công tố các nước, các tổ chức quốc tế, cơ quan tư pháp các nước trong đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên, hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia. Xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng chất đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu Viện Kiểm sát các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ năng lực thực thi pháp luật; xây dựng ngành kiểm sát trong sạch, vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay.  

Phấn đấu và trưởng thành

Trải qua chặng đường lịch sử 60 năm, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, của Quốc hội, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức ở Trung ương và địa phương, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, ngành kiểm sát nhân dân đã không ngừng phấn đấu, trưởng thành; thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình; góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo các quyền dân chủ của nhân dân; đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Nhà nước; thực hiện những mục tiêu mà sự nghiệp đổi mới của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã đặt ra. Trong thời gian tới, bên cạnh những thuận lợi còn không ít những khó khăn, thách thức nhưng tin tưởng rằng với truyền thống 60 năm xây dựng và phát triển, ngành Kiểm sát nhân dân sẽ tiếp tục thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó; thực hiện tốt công cuộc cải cách tư pháp trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tích cực hội nhập, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.  

    
      Với những cống hiến của ngành Kiểm sát nhân dân đối với sự nghiệp cách   mạng trong suốt 60 năm, từ năm 1960 đến năm 2020, ngành Kiểm sát nhân   dân đã vinh dự hai lần được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ   Chí Minh vào năm 1985 và năm 1990; được tặng thưởng Huân chương Sao vàng   năm 2010; được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2015. Nhiều   đơn vị, tập thể, cá nhân trong ngành đã được Đảng, Nhà nước và ngành   Kiểm sát nhân dân tặng thưởng những danh hiệu, phần thưởng cao quý.

B.B.T



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Mùa xuân trên huyện đảo Trường Sa
Đất trời đang vào độ chớm xuân. Những ngày giáp tết này, trên vùng biển Đông của Tổ quốc liên tục nhận tin báo bão. Song, các đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân và gần 100 phóng viên, nhà báo trên cả nước vẫn quyết tâm vượt bão tố, sóng dữ để mang trọn vẹn quà tết cả nước gửi tặng quân, dân các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Nơi ấy, mùa xuân cũng đang hiện hữu, hòa cùng nhịp đập của đất trời Tổ quốc…
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nơi bảo đảm sự công minh của pháp luật