Theo dõi trên

Nói có với môi trường xanh

06/07/2021, 14:13

BT- Câu chuyện về rác thải nhựa và môi trường bị hủy hoại vốn đã được kể từ năm này qua tháng nọ. Tuy nhiên, đến khi bức hình gây ám ảnh về chiếc ống hút nhựa kẹt trong cổ những sinh vật biển và chiếc túi nilon trùm kín đầu một chú rùa được tiết lộ, thì “cuộc chiến” bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa mới bắt đầu nóng lên. Cũng từ đây, những thông điệp “Đổi rác lấy khẩu trang”, “Đổi rác lấy chai nhựa”, “Tuyến đường hoa”, “Bức tường tranh” và Dự án kết nối các nguồn lực giảm thiểu rác thải đại dương… được đưa ra nhằm lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường. 

Bảo vệ môi trường xanh là bảo vệ bản thân và những người thân yêu (ảnh tư liệu).

Mới đây, bộ ảnh đạt giải B tại cuộc thi ảnh Câu chuyện rác nhựa do chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phát động, dưới sự bảo trợ của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, của Trường Cao đẳng Nghề Bình Thuận có chủ đề “No more plastic” đã thực sự “đánh thức” mọi người. Đó là 20 bức hình ghi lại tình trạng rác thải nhựa tràn lan, không được xử lý đúng cách ở các khu vực nông thôn, hình ảnh rác đại dương có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái và con người ở khu vực ven biển, cũng như các giải pháp xử lý rác thải đang được đoàn viên, thanh niên thực hiện...

Lê Uyên Quyên - trưởng nhóm phụ trách bộ ảnh chia sẻ: “Trong những đợt tình nguyện Tháng thanh niên, Chiến dịch mùa hè xanh, tôi và các bạn thấy một số nơi trong tỉnh người dân có thói quen tuồn rác thải ra đường, ra các bãi biển, thậm chí sử dụng rất nhiều chai nhựa vì sự tiện dụng của nó. Trong khi các khu vui chơi, dụng cụ cho trẻ em lại thiếu thốn, nghèo nàn. Vì thế chúng tôi nghĩ, một môi trường xanh phải bắt đầu từ không rác thải nhựa. Đơn giản như thu gom rác thải đúng nơi quy định, trồng thêm cây xanh; đem túi vải, túi giấy, giỏ nhựa khi đi mua sắm; dùng xà bông cục để rửa tay; mua túi đựng nước rửa chén hoặc túi đựng nước giặt; đem những đồ không còn nhu cầu dùng đến nữa cho người cần nó; tìm mua và sử dụng những sản phẩm có chất liệu thân thiện với môi trường; tận dụng vỏ xe làm xích đu, trồng hoa, làm khu vui chơi cho trẻ…”.  

Rác thải chất thành từng đống tại bờ sông, rất khó phân hủy.

Thực tế, thông qua các kênh truyền thông, không ít người hiểu sự nguy hại từ rác thải nhựa, sản phẩm dùng một lần, tuy nhiên cũng vì thói quen tiêu dùng và sự tiện lợi nên hầu hết ai đi mua đồ ở chợ hay siêu thị cũng sẽ “tay xách nách mang” hàng mớ túi nilon đựng thực phẩm. Thậm chí, những chai nhựa có thể tái sử dụng nhưng tất cả đều được bỏ đi… Câu chuyện rác thải tưởng cũ vậy mà luôn luôn mới và ám ảnh nhiều người. Khi nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, một số hóa chất có trong sản phẩm nhựa gồm chất hóa dẻo, phẩm màu, chì, cadimi… trong quá trình đựng đồ ăn, thức uống sẽ bị nhiễm vào thức ăn, sau đó hấp thu vào cơ thể người. Nếu sử dụng thường xuyên thì các hóa chất này sẽ tích tụ và có thể gây ra một số bệnh như ung thư, sẩy thai, dị tật bẩm sinh, gây ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ ở trẻ, thay đổi nội tiết tố… Bên cạnh đó, hậu quả của rác thải nhựa, túi nilon gây ô nhiễm môi trường nặng nề, là điều kiện để cho các loại dịch bệnh sinh sôi, phát triển.

Đoàn viên, thanh niên tái sử dụng các lốp xe để làm đồ chơi cho thiếu nhi.

 “Mỗi ngày mỗi người chỉ cần hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy, đồ nhựa dùng một lần; tái chế sản phẩm nhựa, đồ dùng cũ để trồng cây, làm vật dụng khác; phân loại rác thải ngay tại nhà để những người thu gom làm việc dễ dàng hơn... Đó chính là đang bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người thân yêu của chúng ta, nhằm tạo môi trường thân thiện, xanh, sạch, đẹp”, Lê Uyên Quyên và cuộc thi Câu chuyện rác nhựa nhắn gửi tới người dân.

Từ ngày 5/2 – 15/5, cuộc thi Câu chuyện rác thải nhận được gần 9.000 bức ảnh chụp từ gần 50 tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có các tỉnh ven biển Bình Thuận, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Bình Định… và hơn một nửa số ảnh do sinh viên thuộc 40 trường đại học, cao đẳng, trung cấp gửi tham gia. Theo đánh giá của Ban giám khảo, các bức ảnh sẽ thay vạn lời nói giúp người xem thay đổi nhận thức của mình, từ đó có những hành động giúp môi trường ngày càng đẹp hơn.

Thùy Linh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Về miền Tây thăm “Vườn ông Sáu Dân”
Vừa qua, trong chuyến công tác tại một số tỉnh miền Tây, ghé Vĩnh Long, chúng tôi được giới thiệu tham quan khu lưu niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt hay còn gọi là “Vườn ông Sáu Dân”. Với kiến trúc không gian mở, thiết kế hiện đại, ứng dụng công nghệ số, khu lưu niệm đã tạo nên nét riêng, dung hòa giữa sự trang trọng, thành kính, sâu lắng và sự thân thiện, gần gũi để từ đó truyền tải thông điệp về quê hương, gia đình, cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp to lớn, quan trọng của cố Thủ tướng Võ Văn
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nói có với môi trường xanh