Theo dõi trên

Nổi lửa lên em!

02/08/2024, 05:07

Bây giờ phòng cháy chữa cháy là một nhiệm vụ rất quan trọng, không chỉ ngành chức năng mà là nhiệm vụ của toàn dân.

Những năm gần đây, lửa đã làm cháy rừng, cháy nhà, cháy người, cháy vật dụng… nghĩa là cái gì cháy được là cháy đã gây đau thương cho nhiều gia đình, mà hậu quả của cháy là những nỗi đau khó mà quên được!

noi-lua.png

Lỗi này không phải là lỗi của lửa mà là lỗi của con người.

Nghĩ cho cùng thì lửa đem đến sự sống cho con người, nếu chẳng may con người mà “Tắt lửa lòng” (Tiểu thuyết lãng mạn của Nguyễn Công Hoan) thì… nhân loại sẽ tuyệt chủng?… Và những chuyện gần chúng ta như xe mà tắt lửa, thì không chạy được, nhà máy mà tắt lửa thì đóng cửa, bếp mà tắt lửa thì… đói. Vân vân… nghĩa là lửa giữ ấm con người, lửa mang đến hạnh phúc, niềm yêu thương, sống còn của con người nói riêng và cả một dân tộc nói chung, lửa ở khắp mọi nơi. Và có nhà thơ đã ví người đẹp như lửa: “… Người đẹp trông như tuyết/ Chạm vào lại thấy nóng/ Người đẹp trông như lửa/ Sờ vào lại thấy mát…” (Người đẹp - Lò Ngân Sủn).

Theo truyền thuyết, ngày loài người mới xuất hiện trên trái đất, việc đầu tiên là đi tìm lửa và nước. Có lửa và nước là bắt đầu sự sống. Và những phát minh ra lửa đã nuôi sống con người cho đến ngày hôm nay.

Lửa nó quan trọng đến như vậy, nhưng thơ, văn viết về lửa có rất ít. Chỉ có hai nhạc phẩm viết về lửa rất nổi tiếng của một thời chiến tranh - một ở ngoài Bắc - một ở trong Nam. Dù ở hai chiến tuyến khác nhau, nhưng bếp lửa vẫn là một màu đỏ lửa, mang đến sự sống, đem yêu thương: Một bếp lửa ngoài tiền tuyến, một bếp lửa ở hậu phương.

- Bếp lửa ở tiền tuyến, của miền Bắc, đó là ca khúc “Nổi lửa lên em” của nhạc sĩ Huy Du, bài hát này đã một thời rực lửa mà dân miền Nam cũng nghe, cũng hát vì nó rất hay, mặc dù lúc bấy giờ sau 1975, hai miền Nam - Bắc còn nhìn nhau xa lạ:   “… Trăng đã dậy rồi khơi bếp hồng lên nhé/ Lá nếp rau rừng thêm ấm tình anh nuôi/ Nổi lửa lên em đánh Mỹ đêm ngày/ Vũ trụ theo ta vào trong chiến trận/ Có chị hằng soi sáng canh thâu/ Ơi, miền Nam ơi có đêm nào ngủ được/ Lửa chiến tranh còn bỏng đất quê mình/ Yêu đất nước trải đường vô trong nớ/ Đây tuyến hậu cần ta bủa lưới khắp nơi nơi/ Ơi, vũ khí ta mang đâu có là tên lửa/ Chỉ bếp than hồng này ủ kín hơi cơm/… Nổi lửa lên em/ Nổi lửa lên em/ Ánh trăng sáng ngời đưa ta vào trận đánh/ Núi rừng xanh dồn dập bước quân hành/ Lửa bếp than hồng mang tình ta rực sáng/ Sáng quê hương…”.

- Bếp lửa hồng ở hậu phương miền Nam, đó là ca khúc “Về dưới mái nhà” của Xuân Tiên: “… Người ơi mau về đây, về bên bếp hồng tay cầm tay/ Cười lên chan chứa tươi làn môi/ Nhớ phút vui đêm nay/ Về đây cho lòng say, tìm nhau mấy mùa hoa còn tươi/ Tìm khi nắng lên hay chiều rơi, ta nhắn nhau về đây/ Nhà ai trong chiều nay, lửa đêm đốt hồng vai kề vai/ Và nghe câu hát yêu đời ai, hát mãi sao khôn nguôi/… Ơi bếp hồng sưởi ấm, bếp hồng tươi/ Tiếng ca xa vời, hát mừng mừng lửa hồng tươi/ Ơi, nỗi lòng chan chứa, hỡi người ơi/ Biết bao cho vừa tình thương của bếp hồng soi/ Chiều nay mưa còn rơi/ Chiều nay bếp hồng đang còn say/ Chiều nay vui sống trong tình yêu nhớ phút vui khôn nguôi/… Nào ai xa ngàn nơi/ Kìa bao mái nhà đang chờ ai/ Kìa bao bếp hồng đang còn tươi/ Thương nhớ lên đầy vơi…”.

Chúng ta thấy gì trong hai bài hát lửa này?

Đó là những giai điệu rộn ràng, vui tươi, ca từ là những tiếng ca chan chứa tình yêu lửa, một bếp lửa nồng ấm… Đặc biệt trong hai ca khúc này đều có tiếng kêu: Ơi!

- Ơi, miền Nam ơi, có đêm nào ngủ được… (Nổi lửa lên em).

- Ơi, nỗi lòng chan chứa hỡi người ơi, biết bao cho vừa tình thương của bếp hồng soi… (Về dưới mái nhà).

Bài ca lửa xuất phát từ chiến tranh, nhưng nghe rất là hòa bình. Nhưng nói thật lòng rằng, lửa trong chiến tranh là những tai họa mang đau thương cho cả hai miền, nhưng lửa của bếp lửa mang đến những yêu thương mà bây giờ cho đến mai sau bếp lửa vẫn là thứ để mà sống mà, bếp lửa còn mang đến hạnh phúc cho mỗi gia đình mà không có gì thay thế được?

TRẦN HỮU NGƯ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Thiếu quỹ đất để xây dựng thiết chế văn hóa tại TP. Phan Thiết
Với vị trí là trung tâm kinh tế - chính trị của tỉnh, TP.Phan Thiết có nhiều lợi thế trong việc xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Bên cạnh những lợi thế, thì khó khăn lớn nhất thành phố đang vướng phải là nguồn quỹ đất.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nổi lửa lên em!