Tiếp nối những hoạt động biểu tình trong nhiều tuần qua, hôm qua (20/2), nông dân Ba Lan tiếp tục phong tỏa khoảng 100 con đường dẫn tới biên giới giữa nước này và Ukraine để phản đối việc nhập khẩu nông sản ồ ạt, thiếu kiểm soát, cũng như yêu cầu cần thay đổi chính sách nông nghiệp của Liên minh châu Âu (EU).
Đại diện những người biểu tình, anh Roman Kondrow cho biết: “Chúng tôi vẫn đang phản đối tình trạng này, để Thủ tướng Donald Tusk đến nói chuyện với nông dân chúng tôi, để Chủ tịch Ursula von der Leyen hiểu được hoàn cảnh khó khăn của nông dân ở đây, ở Ba Lan, ở Podkarpacie, ở vùng Lublin. Họ cần nhận thấy tình trạng khó khăn này, bởi vì điều tồi tệ này đang đến, ngũ cốc và dầu đang tràn vào Tây Âu, hãy tỉnh táo trước khi quá muộn”.
Ảnh minh họa: Reuters
Trong khi đó, anh Janczak, một nông dân tại Lublin khẳng định những người nông dân đang chiến đấu vì lợi ích của mình: “Chúng ta liên tục bị chỉ trích bởi những hạn chế về sinh thái, những hạn chế mà chúng ta phải đáp ứng. Chúng ta không có bước đột phá trên thị trường quốc tế, không thể đương đầu với dòng nông sản giá rẻ tràn vào, đặc biệt là từ biên giới phía Đông. Chúng ta đã đụng chân tường. Chúng ta sẽ không lùi bước vì không thể. Về phần nông dân chúng tôi, chúng tôi sẽ chiến đấu vì lợi ích của mình”.
Ukraine hôm qua (20/2) cũng kêu gọi Ủy ban châu Âu có hành động mạnh mẽ trước động thái của người biểu tình Ba Lan. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết tình hình ở biên giới thể hiện “sự xói mòn tình đoàn kết” khi trên thực tế chỉ có 5% nông sản xuất khẩu của Ukraine đi qua biên giới với Ba Lan, đồng thời khẳng định vụ việc liên quan đến yếu tố chính trị hơn là ngũ cốc. Hiện hàng trăm xe tải của nông dân Ukraine đã tập kết tại khu vực ba điểm giao cắt gần cửa khẩu biên giới ở Rava Ruska nhằm phản đối động thái của nông dân Ba Lan.
Trong nhiều tuần qua, nông dân Ba Lan đã chặn các xe tải chở hàng của Ukraine vào quốc gia này vì cho rằng nảy sinh tình trạng cạnh tranh không công bằng từ hàng nhập khẩu giá rẻ ở Ukraine. Trên phạm vi châu Âu, nông dân các nước Đức, Pháp, Bỉ cũng đã biểu tình phản đối chính sách hỗ trợ này và tình trạng chi phí, giá cả tăng cao, đa số yêu cầu cần có thay đổi với Chính sách nông nghiệp chung (CAP) của Liên minh châu Âu và Thỏa thuận Xanh.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine Mykola Solsky hôm 19/2 cho biết, nước này "sẵn sàng cho mọi phương án" và tìm kiếm giải pháp “mang tính xây dựng”, trong khi đó phía Ba Lan cũng xác nhận hai bên đang đàm phán về một thỏa thuận hạn chế nhập khẩu, dự kiến có thể đạt được vào cuối tháng 3.