Nuôi thủy sản nước lợ tại Tuy Phong. |
Giám sát môi trường, dịch bệnh
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, hiện diện tích nuôi tôm hàng năm của các địa phương có phần giảm, chuyển sang nuôi các loài thủy sản nước lợ khác. Số ít hộ dân khác vẫn tiếp tục nuôi tôm theo hướng công nghiệp, có sự đầu tư bài bản, mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng, kịp thời học hỏi và tiếp thu những tiến bộ kỹ thuật mới áp dụng vào quy trình nuôi. Điển hình như nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học và hạn chế sử dụng kháng sinh, hóa chất, nuôi tôm trong ao trải bạt, nuôi tôm theo quy trình bán biofloc…
Vào mùa vụ nuôi chính hàng năm, Chi cục Thủy sản và Chi cục Chăn nuôi và Thú y đều định kỳ thực hiện quan trắc môi trường và xét nghiệm mẫu bệnh tôm, cá ở các vùng nuôi trọng điểm của tỉnh. Qua đó, kịp thời thông báo đến các địa phương và chủ ao nuôi được lấy mẫu. Việc này giúp người nuôi tôm chủ động phòng ngừa bệnh từ môi trường, kịp thời xử lý các sự cố về môi trường và dịch bệnh, giúp hạn chế tối đa thiệt hại. Ngoài ra, Chi cục Thủy sản thu mẫu quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản. Vị trí quan trắc thu mẫu tại 18 điểm là các vùng nuôi nước lợ chủ lực của tỉnh, thu mẫu nước biển, nước giếng khoan gần biển chưa qua xử lý. Kết quả quan trắc cho thấy đa số các chỉ tiêu môi trường nằm trong mức giới hạn cho phép theo quy định, phù hợp cho sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản nước mặn - lợ.
Thu hẹp vùng nuôi không thuận lợi
Tại hội thảo bàn về kỹ thuật tiên tiến trong nuôi tôm và thủy sản nước lợ được tổ chức mới đây tại TP. Phan Thiết, đại diện lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh cho biết: Theo định hướng của ngành, hiện nay các địa phương không nên phát triển nghề nuôi tôm nước lợ trên diện rộng mà phải tính tới giải pháp thu hẹp dần các vùng nuôi không thuận lợi. Đồng thời, tập trung đầu tư cho các trang trại nuôi có đủ tiềm lực về kinh tế và đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.
Trong đó, với các khu vực nuôi công nghiệp hay bán công nghiệp phải có biện pháp xử lý chất thải đạt các tiêu chuẩn môi trường trước khi thải ra môi trường bên ngoài. Khuyến cáo người nuôi theo hình thức nuôi tái sử dụng nguồn nước (nuôi khép kín). Hình thành các Tổ quản lý cộng đồng có nhiệm vụ quản lý nguồn nước (cấp - thoát) và hỗ trợ nhau trong việc tiêu diệt, khống chế nguồn bệnh, không để nguồn bệnh thải tự nhiên ra môi trường. Mặt khác, chú trọng ứng dụng những công nghệ tiến bộ trong nuôi tôm gắn với bảo vệ môi trường.
Nâng cao ý thức của người dân về gìn giữ và bảo vệ môi trường nuôi chung, tạo ra sản phẩm tôm sạch đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Để nghề nuôi tôm và thủy sản nước lợ phát triển ổn định và bền vững tại Bình Thuận theo định hướng trên, cần phát triển đa dạng hóa đối tượng nuôi trồng, cân bằng hệ sinh thái. Phát triển hệ thống sản xuất giống thủy sản sạch bệnh. Song song, cơ quan chức năng cần kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ chất lượng con giống trước khi xuất bán ra thị trường. Riêng người nuôi cần chọn mua giống ở những cơ sở có uy tín và có thương hiệu, cần kiểm tra các bệnh nguy hiểm trên tôm bằng phương pháp kỹ thuật cao trước khi thả nuôi. Các loại giống thủy sản (giống tôm, cá, ốc, cua) trước khi nuôi đều thực hiện công tác kiểm dịch, kiểm định chất lượng.
Hiện Bình Thuận có diện tích nuôi thủy sản nước lợ gần 900 ha. Trong đó huyện Tuy Phong 320 ha, Bắc Bình 38 ha, Hàm Thuận Bắc 23 ha, Hàm Thuận Nam 145 ha… Đối tượng nuôi chính là tôm thẻ chân trắng với trên 850 ha, còn lại là các loại khác như cua, cá chẽm, cá chim, ốc hương. Năng suất tôm nuôi bình quân 9 tháng năm 2019 đạt 10 tấn/ha. |
Kiều Hằng