Theo dõi trên

Phác thảo mô hình nông nghiệp linh hoạt

28/01/2016, 08:31

BT- Trên quỹ đất nhóm 2, nông dân có quyền lựa chọn trồng cây gì theo nhu cầu thị trường, nhưng cuộc chuyển đổi cây trồng  nhất thiết phải bảo đảm khâu tiêu thụ sản phẩm.

                       
Kênh dẫn nước thủy lợi ở Bắc Bình. Ảnh:    Ngọc Lân

1. Trước thềm 2016, năm bản lề của chặng thời gian 5 năm tới, ngành nông nghiệp của tỉnh đang có nhiều vấn đề đáng bàn, khi hiện tại trong nước và một số nước xung quanh đã có những thay đổi trong sử dụng đất nông nghiệp để phù hợp với tình trạng hạn hán được dự báo sẽ tiếp diễn. Gần nhất là Thái Lan đang giảm trồng lúa, chuyển sang trồng bắp hay cây ăn quả, cây lấy hạt với kế hoạch các hệ thống ngân hàng nhà nước và các HTX nông nghiệp sẽ đóng vai trò chính trong việc hỗ trợ nông dân Thái Lan chuyển đổi cây trồng; trong khi Bộ Thương mại tìm đầu ra cho nông sản, nổi bật là phối hợp với cơ quan du lịch lập các gian hàng bán nông sản tại các trạm xăng. Còn trong nước, các chuyên gia cũng đã có những bàn cãi, đề xuất cho sản xuất lúa linh hoạt.

Tại Bình Thuận, hiện đã có 2 yếu tố cần cho cuộc chuyển đổi sản xuất linh hoạt. Yếu tố cần đầu tiên là tạo điều kiện cho sự lựa chọn trồng cây nào cần thủy lợi thì Bình Thuận đang xây dựng cuộc nối mạng thủy lợi trên toàn địa bàn tỉnh và hiện đã đi được gần nửa chặng đường. Phía Bắc tỉnh, một số công trình đã hình thành như kênh tiếp nước 812 - Châu Tá, kênh chuyển nước Lòng Sông - Đá Bạc - Vĩnh Tân, Trạm bơm cấp nước khu Lê Hồng Phong... Và đến thời điểm này, chỉ còn xây dựng 2 công trình nữa thì vùng này sẽ không còn khô hạn. Đó là tuyến kênh Cà Giây - Cây Cà và hồ Sông Lũy, công trình tích nước xả của thủy điện Đại Ninh và dự trữ nước mưa, khắc phục tình trạng hết mưa cũng hết nước của vùng này lâu nay. Trong khi đó, phía Nam tỉnh, việc nối mạng thủy lợi còn nhiều việc phải làm, bên cạnh số ít công trình đã phát huy tác dụng là nhiều công trình chưa hoàn tất, do thiếu vốn.  

                       
Ảnh: Ngọc Lân

2. Nhìn tổng thể trong 5 năm qua cho thấy nhờ có nước, nhiều vùng đất được vỡ hoang, nhiều diện tích chỉ sản xuất 1 vụ hoặc 2 vụ đã nâng lên 3 vụ/năm, nhiều cây trồng được mở rộng diện tích, trong đó thanh long là chính.  Hàng ngàn ha thanh long xuất hiện trước và sau khi những tuyến kênh chuyển nước hình thành đã mặc nhiên tạo ra yếu tố cần thứ 2 của cuộc chuyển đổi sản xuất linh hoạt. Buổi đầu của cuộc chuyển đổi tự phát này thể hiện rất rõ cũng trên mảnh đất ấy, cũng người nông dân ấy nhưng hôm nay trồng thanh long cho thu nhập gấp chục lần hôm qua trồng lúa. Gọi là tự phát, vì thử lùi lại 5 năm trước, có thể cảm nhận lúc ấy tại Bình Thuận, chính quyền và nông dân chưa có khái niệm sản xuất linh hoạt, nhất là trên đất lúa. Nhưng có nước, thanh long được giá nên trong cơn say mê sản xuất để đổi đời, nông dân Bình Thuận đã tạo ra hiện tượng “xé rào” trên đất lúa. Giữ không xuể và thấy có gì đó quá chông chênh khi so sánh hiệu quả mang lại giữa cây thanh long và cây lúa, tỉnh đã kiến nghị Trung ương xin cơ chế cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng thanh long. Trong thời gian này, chuyện hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng đã âm thầm diễn ra ở một số tỉnh, mở ra một thực tế đòi hỏi trồng những cây sử dụng ít nước hơn cây lúa. Bên cạnh đó, bài toán gia tăng giá trị cho ngành lúa gạo đang trong vòng luẩn quẩn rồi quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp chỉ mới bắt đầu, khiến kiến nghị của tỉnh theo một số tờ báo đánh giá đã trở thành điểm nóng trong ngành nông nghiệp.

 Báo cáo nghiên cứu về thị trường lúa gạo Việt Nam của Liên minh nông nghiệp với những thông tin đưa ra gần đây, càng khẳng định thêm chuyện xuất khẩu gạo ngày càng khó khăn, cũng như sự dư thừa lúa gạo trong tương lai. Song song đó đề xuất Chính phủ nên phân quỹ đất 3,8 triệu ha trồng lúa thành 2 nhóm: nhóm thứ nhất là đất chuyên dùng trồng lúa có lợi thế cạnh tranh hơn hẳn các loại cây trồng hàng năm khác; nhóm thứ hai là đất có khả năng dễ dàng chuyển đổi sang loại cây trồng hàng năm khác trong trường hợp trồng lúa không cạnh tranh bằng và ngược lại. Trên quỹ đất nhóm 2 này, nông dân có quyền lựa chọn trồng cây gì theo nhu cầu thị trường nhưng cuộc chuyển đổi cây trồng đó nhất thiết phải được bảo đảm khâu tiêu thụ sản phẩm.

3. Từ chuyển biến trên, có thể nói việc hình thành vùng chuyên canh thanh long lớn ở tỉnh, có một phần diện tích trên đất lúa trong thời gian qua là bước đi sớm và thể hiện đúng phần nào tính chất của sản xuất linh hoạt. Tuy nhiên, việc đảm bảo tiêu thụ sản phẩm ổn định thì lại chưa rõ ràng. Nguyên nhân chủ yếu là cung đang vượt cầu, đa số diện tích sản xuất chưa theo các tiêu chuẩn mà thị trường đòi hỏi, trong khi đó khâu chế biến trái thanh long chưa có. Để cuộc chuyển đổi sản xuất cây thanh long đúng nghĩa linh hoạt, những năm tới, tỉnh cần tập trung khắc phục điểm yếu trên. Có thể xem đây là mô hình để sau này còn áp dụng trên các cây, con khác, nhất là trong 5 năm tới nhiều công trình thủy lợi phát huy tác dụng. Gần nhất, năm 2016, khu Lê đã có nước. Cả một vùng đất mênh mông của 2 xã Hồng Phong, Hòa Thắng sẽ chuyển sang trồng cây gì, nuôi con gì là vấn đề phải tính toán. Bởi mục đích cuối cùng của sản xuất linh hoạt là thu nhập thực tế của nông dân phải tăng lên.

Bích Nghị



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phác thảo mô hình nông nghiệp linh hoạt